Tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định dùng để phản ánh tình hình tăng, giảm giá trị hao mòn và giá trị hao mòn luỹ kế của các loại TSCĐ và bất động sản (BĐS) đầu tư trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ, BĐS đầu tư và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ, BĐS đầu tư.
HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN 214 CẦN TÔN TRỌNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH SAU
Phương pháp khấu hao được áp dụng cho từng TSCĐ, BĐS đầu tư phải thực hiện nhất quán và có thể được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức thu thu hồi lợi ích kinh tế của TSCĐ và BĐS đầu tư.
3. Thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao TSCĐ phải được xem xét lại ít nhất là vào cuối mỗi năm tài chính. Nếu thòi gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản khác biệt lớn so với các ước tính trước đó thì thời gian khấu hao phải thay đổi tương ứng. Phương pháp khấu hao TSCĐ được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức ước tính thu hồi lợi ích kinh tế của TSCĐ. Trường hợp này, phải điều chỉnh chi phí khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo, và được thuyết minh trong báo cáo tài chính.
4. Đối với các TSCĐ đã khấu hao hết (Đã thu hồi đủ vốn), nhưng vẫn còn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không được tiếp tục trích khấu hao.
Các TSCĐ chưa tính đủ khấu hao (Chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng cần thanh lý, thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường và phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, không được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính TSCĐ đó, số tiền bồi thường do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định. Nếu số thu thanh lý và số thu bồi thường không đủ bù đắp phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, hoặc giá trị TSCĐ bị mất thì chênh lệch còn lại được coi là lỗ về thanh lý TSCĐ và kế toán vào chi phí khác. Riêng doanh nghiệp Nhà nước được xử lý theo chính sách tài chính hiện hành của Nhà nước.
5. Đối với TSCĐ vô hình, phải tuỳ thời gian phát huy hiệu quả để trích khấu hao tính từ khi TSCĐ được đưa vào sử dụng (Theo hợp đồng, cam kết hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền). Riêng đối với TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất thì chỉ trích khấu hao đối với quyền sử dụng đất xác định kịp thời hạn sử dụng. Nếu không xác định được thời gian sử dụng thì không trích khấu hao.
6. Đối với TSCĐ thuê tài chính, trong quá trình sử dụng bên đi thuê phải trích khấu hao trong thời gian thuê theo hợp đồng tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu hồi đủ vốn.
7. Đối với BĐS đầu tư, trong quá trình nắm giữ chờ tăng giá hoặc cho thuê hoạt động phải tiến hành trích khấu hao BĐS đầu tư, khấu hao BĐS đầu tư được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Doanh nghiệp có thể dựa vào các BĐS chủ sở hữu sử dụng (TSCĐ) cùng loại để ước tính thời gian trích khấu hao và xác định phương pháp khấu hao BĐS đầu tư.
KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TÀI KHOẢN 214 – HAO MÒN TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Kết cấu của Tài khoản 214 như sau:
Bên Nợ:
Giá trị hao mòn TSCĐ, BĐS đầu tư giảm do TSCĐ, BĐS đầu tư thanh lý, nhượng bán, điều động cho đơn vị khác, góp vốn liên doanh.
Bên Có:
Giá trị hao mòn TSCĐ, BĐS đầu tư tăng do trích khấu hao TSCĐ, BĐS đầu tư.
Số dư bên Nợ:
Giá trị hao mòn luỹ kế của TSCĐ, BĐS đầu tư hiện có ở đơn vị.
Tài khoản 214 – Hao mòn TSCĐ, có 4 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 2141 – Hao mòn TSCĐ hữu hình: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ hữu hình trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ hữu hình.
– Tài khoản 2142 – Hao mòn TSCĐ thuê tài chính: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ thuê tài chính và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ thuê tài chính.
– Tài khoản 2143 – Hao mòn TSCĐ vô hình: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ vô hình trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ vô hình và những khoản làm tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ vô hình .
– Tài khoản 2147 – Hao mòn BĐS đầu tư: Tài khoản này phản ánh giá trị hao mòn BĐS đầu tư trong quá trình nắm giữ chờ tăng giá, cho thuê hoạt động các BĐS đầu tư của doanh nghiệp.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KINH TẾ CHỦ YẾU
1. Định kỳ tính, trích khấu hao TSCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí khác, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (6234)
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (6274)
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp
Nợ TK 811 – Chi phí khác
Có TK 1214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp).
2. TSCĐ đã sử dụng, nhận được do điều chuyển trong nội bộ Tổng công ty, công ty, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá)
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (Giá trị còn lại)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2141) (Giá trị hao mòn).
3. Định kỳ tính, trích khấu hao BĐS đầu tư đang nắm giữ chờ tăng giá, đang cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147).
4. Trường hợp giảm TSCĐ, BĐS đầu tư thì đồng thời với việc ghi giảm nguyên giá TSCĐ phải ghi giảm giá trị đã hao mòn của TSCĐ, BĐS đầu tư (Xem hướng dẫn các hạch toán TK 211, 213, 217).
5. Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, khi tính hao mòn vào thời điểm cuối năm tài chính, ghi:
Có TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.
6. Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động văn hoá, phúc lợi, khi tính hao mòn vào thời điểm cuối năm tài chính, ghi:
Nợ TK 4313 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ.
7. Trường hợp vào cuối năm tài chính doanh nghiệp xem xét lại thời gian trích khấu hao và phương pháp khấu hao TSCĐ, nếu có sự thay đổi mức khấu hao cần phải điều chỉnh số khấu hao ghi trên sổ kế toán như sau:
– Nếu do thay đổi phương pháp khấu hao và thời gian trích khấu hao TSCĐ, mà mức khấu hao TSCĐ tăng lên so với số đã trích trong năm, số chênh lệch khấu hao tăng, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642 (Số chênh lệch khấu hao tăng)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp).
– Nếu do thay đổi phương pháp khấu hao và thời gian trích khấu hao TSCĐ, mà mức khấu hao TSCĐ giảm lên so với số đã trích trong năm, số chênh lệch khấu hao tăng, ghi:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp)
Có các TK 623, 627, 641, 642 (Số chênh lệch khấu hao giảm)
Theo Nice accounting