Tôi đã mắc một sai lầm gây thiệt hại tới 10.000 USD cho công ty. Hãy để tôi kể lại toàn bộ câu chuyện thế này.
Tôi từng cảm thấy mình là một lập trình viên cực kỳ quyết tâm, cảm giác không gì có thể ngăn cản được. Thành thực mà nói thì tôi có cái tôi rất lớn nhưng thật may mắn trong một lần gây ra sai lầm khủng khiếp, nó không những không huỷ hoại cuộc đời tôi mà còn giúp tôi trở nên thông minh và khiêm tốn hơn.
Sau khi ra trường, công việc đầu tiên của tôi là lập trình viên.
Khi ấy tôi còn trẻ, khao khát và hăm hở tạo ra những điều mới mẻ để chứng minh giá trị bản thân. Giống như hầu hết lập trình viên khác, tôi đã gia nhập một công ty tầm trung. Nhờ làm việc chăm chỉ và quy củ, tôi đã được bổ nhiệm vào vị trí trưởng một dự án nhỏ – đơn vị sau này đã nhanh chóng trở thành cỗ máy kiếm tiền chủ yếu cho công ty.
Mặc dù thiếu kinh nghiệm, tôi vẫn nỗ lực hết sức mình để thực thi mọi công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất bất kể khi nào mọi người yêu cầu. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh nhưng với vốn kinh nghiệm hạn chế tôi không thể nào tìm ra được cách làm đúng đắn nhất.
Mọi thứ cứ diễn ra bình thường do việc lập trình được tiến hành nhanh chóng, tôi không hề kiểm duyệt lại và các sếp ở trên cũng không hề quan tâm tới vấn đề đó. Nhưng sau đó một vài vấn đề nghiêm trọng bắt đầu xảy ra.
Tôi đã vội vàng gửi đi một tính năng thử nghiệm vào tối muộn thứ 6. Mọi người trong công ty đều rất háo hức chờ đón kết quả của sản phẩm này vào ngày thứ 3 tiếp sau đó (do thứ 2 là ngày nghỉ lễ). Tuy nhiên ngay từ sáng thứ 2, khi kiểm tra email, tôi đã phát hiện hàng loạt email lạ.
Sau khi sâu chuỗi tất cả các vấn đề lại với nhau, tôi đã sớm nhận ra rằng một ứng dụng cho một tập hợp lớn người dùng của công ty vừa bị tôi phá hỏng hoàn toàn. Không mất quá nhiều thời gian để tôi nhận ra sai lầm lần này đã gây tổn thất khoảng 10.000 USD cho công ty.
Ngay buổi sáng tiếp theo, việc đầu tiên tôi làm là tới xin lỗi sếp của mình và hỏi liệu có thể bị sa thải hay không. Không suy nghĩ nhiều, sếp tôi đã nói một câu thế này: “Tại sao phải sa thải cậu chứ? Chúng tôi chỉ vừa tiêu tốn 10.000 USD để dạy cho cậu 1 bài học mà thôi”.
Vậy bài học ấy là gì?
Sai lầm dĩ nhiên gây ra rất nhiều hậu quả bi thảm: Công ty sẽ mất khách hàng, tổn hao tiền bạc và sự tín nhiệm. Tuy nhiên một điều còn tồi tệ hơn việc gây ra sai lầm là không bao giờ dám mắc sai lầm. Những rủi ro của việc trì hoãn đổi mới, học hỏi, để đối thủ cạnh tranh tiến xa và nhanh hơn bạn còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Giờ nghĩ lại tôi có thể khẳng định ngay từ đầu sếp đã biết tôi cuối cùng sẽ gây ra tai hoạ. Tôi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nhưng lại phải gánh trên vai trách nhiệm vượt quá khả năng của mình. Phong cách làm việc lập lờ, thiếu kiểm duyệt và chỉ chăm chăm vào kết quả như vậy có thể giúp cả đội di chuyển nhanh chóng nhưng nguy cơ hỏng việc là rất cao và điều đó đã thực sự xảy ra trong trường hợp của tôi.
9 tháng làm việc tại công ty này giúp tôi học hỏi được nhiều bài học đắt giá hơn bất cứ nơi nào khác tôi từng làm trong sự nghiệp của mình. Sau sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp ở công ty phần mềm đó, tôi đã rút ra được một vài bài học đắt giá cho các lập trình viên:
– Đừng bao giờ ra mắt tính năng mới vào thứ 6.
– Luôn hiểu chính xác những rủi ro có thể gặp phải khi ra mắt tính năng mới.
– Quan trọng nhất, đừng bao giờ sợ “thực thi thật nhanh chóng và mắc sai lầm”.
Đó là lý do tại sao đây đã trở thành câu thần chú của Facebook trong suốt nhiều năm. Trong các lĩnh vực khác, việc mắc sai lầm có thể bị cho là bất cẩn, thiếu thận trọng. Tuy nhiên trong lĩnh vực phần mềm, mắc sai lầm là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Ngay cả những lập trình viên kỳ cựu cũng có thể mắc sai lầm mà bạn gặp phải.
Đừng bao giờ sợ mắc sai lầm bởi đó là cách duy nhất để bạn có được những bài học đáng giá, giúp bản thân trở nên tốt hơn.
Theo Trí Thức Trẻ