Nhiều người đang chán ngán với công việc của mình
Trong một cuộc khảo sát 12 000 chuyên gia được thực hiện năm 2013 bởi Harvard Business Review, một nửa nói rằng họ cảm thấy công việc của mình “không có ý nghĩa và tầm quan trọng gì”, và phần còn lại nói rằng họ không cảm thấy liên quan đến sứ mệnh công ty của mình.
Một cuộc thăm dò ý kiến khác của 230 000 nhân viên ở 142 quốc gia cho thấy chỉ có 13% thực sự thích công việc của họ. Còn một cuộc thăm dò gần đây của Brits cho thấy có tới 37% nghĩ rằng công việc của họ là hoàn toàn vô ích.
Theo nhà nhân chủng học David Graeber, thì những người này sở hữu “những công việc nhảm nhí”. Trên giấy tờ, những công việc này thật tuyệt vời. Vẫn có rất nhiều chuyên gia thành công với profile trên Linkedln “khủng” và mức lương ấn tượng nhưng họ cũng chính là những người về nhà mỗi tối và cằn nhằn về công việc không phục vụ mục đích gì của mình.
Những đối tượng vừa được đề cập đến lại không phải những công nhân vệ sinh, giáo viên và y tá, mà là lực lượng đang ngày càng gia tăng của các chuyên gia tư vấn, các giám đốc ngân hàng, chuyên gia tư vấn thuế, và các vị trí quản lý…
Nghịch lý của quá trình phát triển
Hầu hết mọi người cho rằng ý nghĩa cuộc sống là làm cho thế giới đẹp hơn hoặc tốt hơn hoặc thú vị hơn. Nhưng bằng cách nào? Trong thời đại ngày nay, câu trả lời chính của chúng ta là: thông qua công việc.
Tuy nhiên định nghĩa về công việc của chúng ta rất hẹp. Chỉ có công việc tạo ra tiền là được tính vào GDP. Mục đích của trường học cũng là nuôi dưỡng càng nhiều người càng tốt để có thể tham gia vào các cơ sở việc làm sau khi ra trường. Nhưng điều gì xảy ra khi ngày càng nhiều người được coi là thành công dựa theo thước đo của nền kinh tế chính thức nói rằng công việc của họ là vô nghĩa?
Đó là một trong những điều cấm kỵ trong thời đại của chúng ta. Toàn bộ hệ thống tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của chúng ta sẽ tan biến như một làn khói.
Điều mỉa mai là chính sự tiến bộ của công nghệ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này. Xã hội có thể cung cấp những “công việc nhảm nhí” chính xác cũng bởi vì robot đã trở nên tân tiến hơn. Khi những trang trại và nhà máy của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, thì chúng ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế. Ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất ngày càng hiệu quả thì càng cần ít nhân công hơn.
Đó là nghịch lý của quá trình phát triển: chúng ta càng trở nên giàu có, thì càng có nhiều chỗ để phung phí hơn. Nó giống như câu nói của Brad Pitt trong Fight Club: quá thường xuyên, chúng ta “làm việc chúng ta ghét để chúng ta có thể mua những thứ vớ vẩn chúng ta không cần.”
Nền kinh tế của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta định nghĩa lại ý nghĩa của “công việc”? Theo nhà báo Rutger Bregman, thì thu nhập cơ bản phổ quát là câu trả lời hiệu quả nhất cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan của quá trình robot hóa. Không phải vì robot sẽ tiếp quản hết tất cả các công việc có mục đích, nhưng vì thu nhập cơ bản sẽ tạo cho mọi người có cơ hội làm việc có ý nghĩa.
Rutger cũng nói rằng:
“Tôi tin vào một tương lai nơi giá trị của công việc không nên được xác định bằng lương bổng, mà cần được đo bằng bao nhiêu hạnh phúc chúng ta lan toả và bao nhiêu ý nghĩa bạn cho đi. Tôi tin vào một tương lai nơi mục đích của giáo dục không phải là chuẩn bị bạn cho một công việc vô ích khác, mà là cho một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi tin tưởng vào một tương lai, nơi công việc dành cho robot và cuộc sống dành cho con người.”
Theo Trí Thức Trẻ