Hiện nay, MISA đã tiến hành tổng hợp các chính sách pháp luật có liên quan và thay đổi trong tháng 04/2017. Quý khách hàng có thể tham khảo các chính sách thay đổi như sau:
1. Ngày 12/04/2017 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 28/2017/TT-BTC sửa đổi quy định trích khấu hao tài sản là nhà hỗn hợp
Thông tư 28/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 45/2013/TT-BTC và Thông tư 147/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) có hiệu lực từ ngày 26/5/2017.
Theo đó, tài sản là nhà hỗn hợp vừa dùng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp, vừa dùng để bán hoặc cho thuê được trích khấu hao theo quy định mới như sau:
- Đối với phần giá trị tài sản (diện tích) phục vụ hoạt động SXKD và cho thuê (trừ cho thuê tài chính) được ghi nhận là TSCĐ và trích khấu hao theo quy định.
- Đối với phần giá trị tài sản (diện tích) dùng để bán thì không được hạch toán là TSCĐ, không được trích khấu hao và theo dõi như một tài sản để bán.
- Trường hợp không tách riêng được phần giá trị tài sản (diện tích) phục vụ SXKD, vừa để bán, cho thuê thì không hạch toán toàn bộ phần giá trị tài sản (diện tích) này là TSCĐ và không được trích khấu hao.
Xem toàn văn văn bản tại đây
2. Ngày 14/04/2014 Chính phủ ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP về việc thay đổi mức đóng BHXH của người sử dụng lao động từ 01/6/2017
Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/6/2017.
Theo đó, hiện nay người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 1% thì từ ngày 01/6 chỉ đóng:
- 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, trừ đối tượng là người giúp việc gia đình.
- 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014.
Như vậy, mức đóng vào quỹ BHXH của người sử dụng lao động sẽ giảm từ 22% xuống còn 21.5%
Xem toàn văn văn bản tại đây.
3. Ngày 18/4/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho người nộp thuế trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu NSNN do cơ quan thuế chuyển đến.
(Quy định hiện nay là trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc)
Ngoài ra, Thông tư còn quy định một số nội dung:
- Cục Thuế cập nhật, hạch toán đầy đủ các Quyết định hoàn thuế/hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế ngay trong ngày làm việc được ký ban hành quyết định hoàn thuế;
- Sau khi hạch toán Quyết định hoàn thuế và Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ khoản thu NSNN, Cục Thuế luân chuyển sang KBNN ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo.
Thông tư 31/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/6/2017.
4. Ngày 24/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2017 sẽ áp dụng mức lương cơ sở mới là 1.300.000 đồng/tháng làm căn cứ để:
- Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
- Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
- Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Nghị định 47/2016/NĐ-CP thì lương cơ sở đã tăng thêm 90.000 đồng.
Nghị định 47/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 và thay thế Nghị định 47/2016/NĐ-CP.
Xem toàn văn văn bản – Xem lược đồ các văn bản liên quan – Tải về
5.Ngày 28/02/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2017/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải.
Theo đó, việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí của các Cảng vụ hàng hải được thực hiện như sau:
- Các Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm nộp 100% tổng số tiền lệ phí ra, vào cảng biển thu được vào ngân sách trung ương theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
- Các Cảng vụ hàng hải được để lại 57% tiền phí thu được để trang trải chi phí theo quy định, trong đó bao gồm chi đặc thù của Cục Hàng hải Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng.
- Số tiền phí thu được còn lại nộp vào ngân sách trung ương theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước.
(Trước đây, không phân biệt phí, lệ phí, Cảng vụ hàng hải được giữ lại 50% số tiền thu được)
Các Cảng vụ hàng hải thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
Thông tư 17/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 18/4/2017.
6.Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ngoài mức lương, phụ cấp theo quy định của Khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH còn bao gồm các khoản bổ sung khác.
Đó là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015.
Đối với các khoản thu nhập sau vẫn không phải tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng sáng kiến.
- Tiền ăn giữa ca.
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông