Kiến thức Kiến thức quản trị 5 sắc màu của startup

5 sắc màu của startup

7
Hai – ba năm trở lại đây, từ “startup” bỗng được nhiều người quan tâm. Nó như một trào lưu mới mẻ, tạo nên những con người mới, những trải nghiệm mới, thậm chí cả lối sống mới.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Ban đầu, “startup” được hiểu là dành cho những cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bắt nguồn từ góc nhìn của người phương Tây với sự nổi lên nhanh chóng của những tập đoàn công nghệ từ những năm 1990. Nhưng thời gian gần đây, “startup” đã được hiểu rộng hơn, khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, hay kinh doanh cũng được gọi là “startup”.

Nếu định nghĩa “startup” là một quá trình của những cá nhân, những doanh nghiệp có mong muốn (hoặc đang) khởi nghiệp, tìm cách tạo ra những giải pháp mới, đáp ứng những nhu cầu mới, đi trên những con đường khác, thì tôi đã “startup” 3 lần, và thất bại cả ba. Mỗi lần mất một ít tiền, có thêm một số mối quan hệ, mất một ít thời gian và có thêm một số kinh nghiệm. Với tôi startup như vậy là lãi, vì thời điểm đó tôi cần nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ hơn là tiền.

Bằng trải nghiệm của bản thân và theo quan sát xung quanh, tôi cho rằng phần lớn startup đều được đặt trong cái vòng tròn có tên là vất vả, khó khăn, và hàng tá vấn đề cần giải quyết như nhân sự, gọi vốn, truyền thông quảng cáo… Do vậy, để có thể hạn chế tối đa thất bại, rủi ro, và tăng khả năng thành công, trước khi startup, bạn cần hiểu rõ mình mong muốn điều gì, và sẽ phải đánh đổi như thế nào.

Để hiểu được điều đó, bạn nên đặt ra một số câu hỏi sau:

1. Sẽ mất bao nhiêu tiền cho việc startup?

Tiền ai cũng cần, nhưng không phải ai cũng có thể nhận được tiền từ việc startup. Thực tế, trước khi bạn có thể lấy được tiền của thiên hạ thì bạn đã phải mất chi phí thuê văn phòng (ít thì khoảng 5 triệu đồng/tháng), chi phí thuê nhân sự (ít thì khoảng 5 triệu đồng/người/tháng), chưa kể các chi phí truyền thông, các khoản phí dịch vụ khác. Ngoài ra, bạn cần biết mình phải tập trung toàn thời gian vào startup và không thể làm công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Tính sơ sơ, một năm ít nhất bạn mất 100 triệu đồng. Phải tính cả cho những người phụ thuộc vào bạn nữa.

Tin tôi đi, những người khởi nghiệp thành công có thể đạt mức độ giàu có khác nhau, nhưng những người khởi nghiệp thất bại thì cái nghèo và vất vả rất giống nhau!

Vậy nên, trước khi startup, bạn cần tính đến số tiền dự phòng, những phương án an toàn cho cuộc sống của bản thân, tính cả đến đường lui. Đặc biệt, khởi nghiệp thất bại cũng sẽ là một cú sốc tinh thần cực lớn.

2. Sẽ tận dụng được bao nhiêu mối quan hệ?

Đừng ảo tưởng rằng startup là một cuộc chơi công bằng. Trên thực tế vẫn có những người xuất thân nghèo khó đã khởi nghiệp thành công, trở nên rất giàu. Nhưng đó chỉ là thiểu số.

Bạn đã từng nghe: cơ hội dành cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng nắm bắt được. Và thực tế đã chứng minh rằng mối quan hệ luôn tỷ lệ thuận với xác suất thành công.

Bạn đã có được bao nhiêu mối quan hệ, từ xã hội đến gia đình, để có thể gia tăng tỷ lệ thành công cho startup của mình?

3. Thời gian dành cho startup như thế nào?

Khi khởi nghiệp, thường thì chúng ta sẽ dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho dự án. Tuy nhiên cũng có nhiều người ý thức được những rủi ro của việc startup, họ chấp nhận vừa làm một công việc kiếm thu nhập, vừa bắt tay vào làm điều mình thích.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, nếu bạn không thể tập trung cho điều mình cần làm thì nó sẽ chẳng đi đến đâu cả. Thử hình dung, 2 giờ đêm bạn vẫn còn trằn trọc vì những dự định cho ngày mai, sáng 7 giờ sáng trên đường đi làm bạn bâng khuâng về những việc cần làm trong ngày, đang làm việc của công ty lại chợt nhớ và phải giải quyết ngay vài việc của dự án startup, bạn nhịn ăn trưa vì những dòng code cho dự án riêng, bạn nói dối sếp vì hiệu quả tháng này sụt giảm, chiều muộn bạn từ chối lời mời đá bóng với anh em công ty để tiếp tục “cày cuốc”, 9 giờ tối bạn vẫn chưa đi ăn cơm vì… chưa xong việc… Dù bạn có dành 100% thời gian cho startup hay sử dụng cả thời gian của người khác (người thuê bạn), thì bạn cũng đang startup chưa khoa học!

Hãy ngồi chia lại quỹ thời gian của mình, bao nhiêu phần trăm cho công việc chính, bao nhiêu cho hoạt động cá nhân, bao nhiêu cho những dự định tương lai. Và nhớ là phải luôn có thời hạn (deadline), nếu không hoàn thành đúng thời hạn thì bạn nên chấm dứt việc startup đi.

Chúng ta đến với startup là để được tự làm chủ bản thân hơn, và sau một thời gian đầu bận rộn thì có thể rảnh rang đi đâu đó. Vậy nếu cứ mãi bận rộn và phải suy nghĩ nhiều thì startup có ý nghĩa gì nữa?

4. Bạn đã sẵn sàng để học từ startup chưa?

Tôi nghĩ điều này là hiển nhiên, học từ thất bại, học từ thành công, đâu đâu cũng là những bài học. Nhưng tôi nghĩ “thành công” thích hợp cho một câu chuyện hơn, còn thất bại giúp bạn học được nhiều hơn: thấm thía, dằn vặt, thậm chí là day dứt, đấy cũng là học. Chỉ cần bạn sẵn sàng để chiến đấu, sẵn sàng để học hỏi, và hiểu rằng thất bại cũng là một phần của “câu chuyện thành công”.

Một lời khuyên dành cho bạn, nếu dự án startup đó đã đến hồi kết, hãy kết thúc nó để tìm kiếm một con đường mới, đừng mãi buồn đau trăn trở và níu kéo, đó mới là con đường đúng đắn. Hãy sẵn sàng ấn nút “delete” cho những điều chưa tốt để lại tiếp tục được ấn nút “start”, và để được “up”.

Tóm lại, tôi vẫn luôn nghĩ startup là một trào lưu nguy hiểm mà bất cứ ai cũng nên thử, chỉ cần biết điểm dừng và biết lúc nào nên dừng là được.

Và hãy nhớ startup không phải chỉ có màu hồng của những ước mơ, nó còn có cả màu đỏ của sự quyết tâm, màu vàng của sự may mắn, màu xanh của tình đồng đội, màu đen của sự thất vọng và màu trắng – dành cho bạn. Hãy tự vẽ một điều gì đó lên mảng màu trắng dành cho mình…

Theo CEO MediaZ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không