Kiến thức Chiến lược Hiện thực ngành ôtô Việt Nam qua một bản báo cáo

Hiện thực ngành ôtô Việt Nam qua một bản báo cáo

2
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, Bộ đã có báo cáo kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề phát triển ngành ôtô Việt Nam và sản phẩm cơ khí trọng điểm, để gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Báo cáo cho biết, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong hai năm trở lại đây. Năm 2015, lần đầu tiên sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ôtô trong nước đạt trên 200.000 xe/năm, tốc độ tăng so với năm 2014 đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283.300 xe/năm.

Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Ngành ôtô đã đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách, góp phần giảm nhập siêu. Đồng thời tạo ra việc làm trực tiếp cho hơn 120.000 lao động. Hiện cả nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe xe ôtô, đa phần có quy mô nhỏ.

Giản đơn và… đắt

Báo cáo nhấn mạnh, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được được tiêu chí của ngành công nghiệp ôtô thực sự, phần lớn chỉ lắp ráp giản đơn, dây chuyền chủ yếu vẫn là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Đặc biệt, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước khu vực: gấp hai lần so với Thái Lan, Indonesia.

“Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe ở mức cao là do thuế và phí của nước ta cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp”, báo cáo nêu.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, tỷ lệ nội địa hoá với xe 9 chỗ ngồi được đặt mục tiêu là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 song đến nay mới đạt tỷ lệ bình quân 7-10%. Nổi bật chỉ có Thaco đạt tỷ lệ nội địa hoá 15 – 18%, Toyota là 37% với dòng xe Innova.

Nhìn ra khu vực tỷ lệ nội địa hoá của Thái Lan đạt trên 80%, bình quân các nước trong ASEAN đạt khoảng 65-70%, Bộ Công Thương cảnh báo, các nhà sản xuất ôtô nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu để nâng cao nội địa hoá, sẽ khó cạnh tranh khi AFTA có hiệu lực.

Nguyên nhân tỷ lệ nội địa hoá thấp với dòng xe con được Bộ Công Thương lý giải do Việt Nam là nước đi sau trong khu vực (so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia).

“Chuỗi sản xuất ngành ôtô do các tập đoàn đa quốc gia chi phối. Họ quyết định hoàn toàn việc nghiên cứu – phát triển, địa điểm sản xuất, phương thức bán hàng… Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ôtô lớn của Nhật Bản, Mỹ… đều đã đầu tư các dự án sản xuất ôtô con có quy mô rất lớn trong khu vực ASEAN. Công suất các dự án sản xuất ôtô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất, vì vậy các tập đoàn không có các dự án đầu tư quy mô lớn ở Việt Nam do quy mô thị trường quá nhỏ, bằng 1/10 Thái Lan, 1/5 Indonessia…”, báo cáo nêu.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, Theo Bộ Công Thương do thị trường nội địa nhỏ, chỉ ở mức độ 500 nghìn xe/năm, trong khi số lượng doanh nghiệp sản xuất – lắp ráp lớn (56 doanh nghiệp) nên không không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô vì hiệu quả kinh tế thấp do sản lượng nhỏ.

Chặng đường sắp tới

Giữa bối cảnh ngành công nghiệp ôtô đã thất bại với những mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương xác định giai đoạn 2025 -2035, Việt Nam vẫn tiếp tục xác định phát triển dòng xe 9 chỗ ngồi phù hợp với người Việt và xu hướng phát triển của thế giới là xe thân thiện với môi trường như eco car, hybrid, xe điện…

“Xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020 – 2025, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60 – 70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến 2020 đạt từ 35 – 40%, đến năm 2021 – 2025 đạt 40 – 45%”, theo báo cáo.

Đối với xe tải và xe khách, ngành công nghiệp ôtô sẽ phát triển các loại xe có lợi thế, phục vụ nông nghiệp, xe chuyên dùng, xe tải nhỏ, xe khách tầm trung và tầm ngắn, xe nông dụng đa chức năng.

Đặc biệt ngành công nghiệp hỗ trợ, thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao như động cơ, hộp số, bộ truyền động để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng cho biết đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định số 229 về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 chú trọng về tín dụng đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo… và các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hạ tầng. Với các dự án ưu tiên ngoài những ưu đãi chung còn có ưu đãi riêng cho từng dự án.

Ngành ôtô đã chính thức được Quốc hội thông qua là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy hiện Bộ Công Thương đang được giao để xây dựng dự thảo nghị định sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô nhằm làm rõ “tính điều kiện” của ngành nghề này.

Đồng thời, báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề cập đến nội dung nghiên cứu, áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.

Theo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không