Kiến thức Chiến lược Vì sao nhà đầu tư giỏi nên rót tiền vào những doanh...

Vì sao nhà đầu tư giỏi nên rót tiền vào những doanh nghiệp yếu kém?

10
Tại Uganda, một doanh nghiệp xuất khẩu ca cao đã học được rằng, quan tâm đến trách nhiệm đối với xã hội và môi trường có thể giúp gia tăng giá trị cốt lõi, biến một doanh nghiệp yếu kém trở nên vững mạnh.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Những nhà đầu tư xã hội (social investor) luôn tìm kiếm những doanh nghiệp đáp ứng được thứ mà chúng ta gọi là bộ ba cốt lõi: tài chính bền vững, trách nhiệm xã hội và có ý thức bảo vệ môi trường. Những doanh nghiệp này được cho là phù hợp để đầu tư dài hạn, vì khả năng phát triển bền vững và vì người đầu tư biết rằng tiền của họ được sử dụng vào những mục đích vì con người và môi trường.

Nhưng liệu có cơ hội nào cho một doanh nghiệp làm ăn yếu kém lọt vào mắt xanh của một nhà đầu tư xã hội?

Tôi đã từng tự vấn lương tâm rất nhiều sau khi nhiều khoản nợ từ châu Phi trong danh mục của tôi trở thành nợ xấu vào năm 2014. Là nhà quản lý danh mục đầu tư tại Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, và phía tây bắc Tanzania cho Root Capital, đồng thời cũng là một nhà cho vay xã hội phi lợi nhuận ở Mỹ, tôi gặp thách thức khi phải làm việc với những doanh nghiệp xã hội có trái tim nhân ái nhưng không có sự thông thái của người làm ăn.

Họ chỉ tập trung vào hoạt động, sản lượng của những người cung cấp nông sản, với hi vọng mù quáng rằng doanh số sẽ tự động tăng lên vào cuối mùa thu hoạch, mà trong nông nghiệp, đó không phải là một giả định an toàn. Khi giá cà phê sụt giảm vào năm 2014 – 2015, kết quả tài chính của họ thật thảm hại.

Tôi nhận ra việc hướng dẫn một doanh nghiệp xã hội trở thành một đơn vị làm ăn khôn ngoan khó hơn là dạy một doanh nghiệp kinh doanh giỏi trở nên biết quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội. Nếu tôi có thể tiếp cận một doanh nghiệp được thiết lập và vận hành tốt cùng khả năng sinh lợi cao, tôi có thể thuyết phục họ sửa đổi mô hình kinh doanh sao cho liên đới nhiều hơn tới các vấn đề xã hội và môi trường.

Chẳng bao lâu sau, tôi gặp Shiramsetti Shravan, Giám đốc điều hành của một công ty xuất khẩu ca cao ở Uganda. Là một doanh nhân khôn ngoan, ông ấy lấy làm ngạc nhiên khi nghe trình bày mô hình cho vay của chúng tôi. Việc kinh doanh của ông không tạo ra những tác động xã hội cụ thể đối với những người nông dân trồng ca cao, vì ông ấy thông qua trung gian. Trong tình hình khả quan nhất, doanh nghiệp thu mua này không hề tạo ra bất kỳ tác động xã hội nào lên người nông dân. Và trong trường hợp xấu nhất, họ thậm chí còn bóc lột nông dân bằng những khoản cho vay nặng lãi cùng những chiến thuật khác nhằm đẩy giá mua xuống. Họ đã ưu tiên thu lợi ngắn hạn thay vì những cân nhắc cho tương lai.

Ông Shravan cũng hoàn toàn không để tâm đến các vấn đề môi trường, chứ đừng nói gì đến các dự án bảo tồn. Ít nhất thì hoạt động của công ty không có tác động tiêu cực gì đến môi trường, nên tạm coi như đã làm tròn trách nhiệm.

Tôi giải thích rằng sự bền vững của một doanh nghiệp kinh doanh nông sản phụ thuộc vào tính nhất quán về chất lượng và nguồn cung, và để đảm bảo tính nhất quán đó, nông dân cần có những tương tác tích cực với doanh nghiệp. Shravan ngay lập tức bị thuyết phục. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng, cách đơn giản nhất đáp ứng điều kiện khoản vay của Root Capital là thay đổi nguồn cung ứng, giao cho một hợp tác xã địa phương. Sau một thời gian, doanh nghiệp sẽ xem xét, cùng với hợp tác xã hỗ trợ một số sáng kiến bảo vệ môi trường.

Root Capital đã phê duyệt một khoản vay trị giá 600.000 USD vào tháng 9/2014, và Công ty Ca cao và Thực phẩm Uganda đã hoàn trả đầy đủ vào tháng 6/2015, sớm 2 tháng trước thời hạn. Công ty còn kí kết một khoản vay vốn lưu động khác trị giá 1,2 triệu USD vào tháng 7/2015 và cũng thanh toán đầy đủ vào tháng 6/2016. Hiện tại, công ty còn một khoản vay 2,8 triệu USD, theo đúng kế hoạch sẽ hoàn trả đầy đủ vào tháng 6 này.

Tôi cất công tìm kiếm những triết lí ủng hộ ý tưởng này của mình và tìm thấy những câu trích dẫn sau trong bản tiếng Anh chuẩn của Kinh Thánh:

“Khi Đức Chúa Jesus nghe vậy, thì phán cùng họ rằng: Những người lành thì chẳng cần thầy thuốc, nhưng những kẻ đau ốm lại cần. Ta đến không phải để gọi người công chính, mà gọi kẻ tội lỗi.” (Mark 2:17)

“Tôi bảo các ông, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.” (Luca 15:7)

Chúa Jesus tiếp tục kể dụ ngôn về con chiên đi lạc (Matt 18: 12-13): “Nếu một người có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, tôi bảo thật các ông, người đó sẽ vui mừng về nó hơn là chín mươi chín con chiên không bao giờ đi lạc.”

Tôi lấy cảm hứng từ những dụ ngôn này để tìm những đối tượng cho vay không chỉ là những doanh nghiệp đã làm ăn khấm khá, mà còn tiếp cận những người kinh doanh kém thành công, với hi vọng thay đổi cách nghĩ của họ về những tác động đến môi trường và xã hội. Nếu tôi đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu ca cao này là không đủ điều kiện cho nguồn tài trợ, chúng tôi đã để mặc họ sa vào thất bại. Thực tế, sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động kinh doanh sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định.

Nếu những nhà đầu tư tác động áp dụng cách tiếp cận này rộng rãi hơn, họ sẽ:

● Cải thiện thực tiễn xã hội và môi trường của nhiều doanh nghiệp chủ đạo

● Đa dạng hóa danh mục đầu tư

● Tăng cường chất lượng danh mục đầu tư với các công ty đã có khả năng kinh tế khả thi

● Tạo nên sự khác biệt với các nhà đầu tư truyền thống, trở thành những người sáng tạo, tiên phong trong tư tưởng

Sẽ thật tuyệt vời khi được làm việc với những khách hàng đã tham gia vào những hoạt động quản lí môi trường và xã hội. Nhưng theo tôi, sẽ còn tuyệt hơn khi hợp tác với những người chưa từng quan tâm đến vấn đề này, giúp họ thay đổi và cải thiện. Đó là cơ hội cho các nhà đầu tư có động lực để nhân rộng những lợi ích đóng góp của mình cho xã hội.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế/CSMonitor

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không