Doanh nghiệp phần mềm “bơi” trên biển lớn
Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 10 này Việt Nam sẽ chính thức được xét tham gia vào Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA), đây là một trong những điều kiện pháp lý quan trọng trong khuôn khổ chung của các thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thông tin này được đại sứ Ngô Quang Xuân, trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho báo giới biết.
Thói quen “xài chùa” khó sửa
Buổi tập huấn phần mềm kế toán thi hành ánh MISA Panda.NET 2006 |
Theo ông Ngô Quang Xuân, phái đoàn của Việt Nam đã trình ủy ban ITA xem xét dự thảo cam kết cắt giảm thuế quan các sản phẩm công nghệ thông tin theo khuôn khổ ITA. Trước thông tin này các doanh nghiệp phần mềm (DNPM) trong nước không khỏi lo lắng trước nguy cơ thâm nhập của các ông lớn trong ngành CNTT trên thế giới tại thị trường Việt Nam. Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc chấm dứt tình trạng dùng “chùa” phần mềm như hiện nay. Đến thời điểm đó các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải trả một số tiền khổng lồ cho những phần mềm trong mỗi chiếc máy tính của mình. Hiện nay tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam vẫn đứng ở hàng cao nhất thế giới nhưng ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm đang được cải thiện rõ ràng. Từ năm 2005 Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin đã phối hợp với Bộ Công an liên tục kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp kinh doanh máy tính vi phạm bản quyền phần mềm. Trước kia người mua máy tính chỉ phải trả tiền cho phần cứng và những phần mềm cài đặt trong máy tính được các cửa hàng bán máy tính cài đặt miễn phí. Nhưng nay thì khác, các doanh nghiệp kinh doanh máy tính phải trả tiền phần mềm họ dùng cài đặt cho khách hàng.
Gia nhập vào WTO không chỉ các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp mà cả các quán Internet, games… đều phải trả số tiền bản quyền phần mềm lên đến hàng chục triệu đồng… Theo thống kê hiện nay, 95% máy tính ở nước ta đang sử dụng phần mềm không giấy phép. ông Lữ Thành Long, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Misa cho rằng, các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ Văn hóa thông tin, Bộ Công an lâu nay chỉ đi kiểm tra xử lí ở các doanh nghiệp kinh doanh máy tính nhỏ nên hiệu quả không cao. Nếu kiểm tra ở một cơ quan Nhà nước hay một Tổng công ty lớn thì mới thấy sự vi phạm lớn đến mức nào. ông Long cho biết, Cty Misa chuyên về phần mềm kế toán, một lần Cty bán phần mềm cho một doanh nghiệp khác, khi giao hàng doanh nghiệp này mới giật mình vì đó là phần mềm họ đang dùng từ lâu nay mà không phải trả tiền… Từng có doanh nghiệp mua phần mềm kế toán của Cty Misa sử dụng, khi gặp lỗi mới tìm theo địa chỉ Cty, lúc này Cty Misa mới biết rằng phần mềm của mình đã bị bán “chùa”.
Bài học từ Misa
Theo thông tin từ Hiệp hội tin học Việt Nam, hiện nay cả nước có trên 200 DNPM đang hoạt động. Khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp này không tránh khỏi bị tác động, nhất là khi Việt Nam đã ký cam kết giảm thuế CNTT. Lúc đó đầu tư cho CNTT sẽ bị cắt giảm hơn so với hiện nay và không ít doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhanh chóng bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài để tăng cao sự đầu tư, nhìn ở góc độ này thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ nhanh chóng thích ứng hơn các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Theo các chuyên gia, điều lo lắng nhất là việc sau khi gia nhập WTO tất cả các máy tính sử dụng phần mềm của Microsoft đều phải trả bản quyền cho họ. Nếu tính ra, các cơ quan lớn với hàng trăm chiếc máy tính thì số tiền phải bỏ ra không phải là nhỏ. Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam phải có lộ trình thương lượng với Microsot, để họ giảm giá hoặc đầu tư cho các cơ quan, doanh nghiệp để dần dần không còn dùng chùa.
“Hầu hết các DNPM trong nước đã và đang tự bơi rất khỏe..!”, đó là quan điểm của ông Lữ Thành Long, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Misa. ông lấy Cty của mình làm ví dụ, từ một phần mềm kế toán Misa ban đầu Cty đã phát triển thành các phiên bản mới cho phù hợp với từng loại đối tượng sử dụng như dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp làm công tác Marketing sau bán hàng… Một trong những thành công của Misa là viết phần mềm kế toán nghiệp vụ thi hành án Misa Panda. NET 2006 theo đơn đặt hàng của Bộ Tư pháp. Đây là phần mềm quy trình nghiệp vụ của kế toán dành riêng cho cơ quan thi hành án có khả năng bảo mật cao, quản lý, phân quyền cho người sử dụng, theo dõi nhật ký truy cập vào dữ liệu, tổng hợp dữ liệu từ đơn vị cấp dưới, kết nối được nhiều máy tính cho nhiều người cùng một lúc sử dụng, quản lý chi tiết đến từng quyết định thi hành án… Đây là một hướng đi nhằm giảm thiểu gánh nặng cho công chức Việt Nam, điều mà ít DNPM trong nước chú tâm đến. Theo ông Long, các DNPM trong nước không nên xem việc hội nhập như một nguy cơ mất thị trường, hãy xem đó như một cơ hội để mở rộng thị trường ra các nước.
Kông Lý