Kiến thức Chiến lược Những lý do không nên biến đam mê thành công việc kinh...

Những lý do không nên biến đam mê thành công việc kinh doanh

7
Có câu nói nổi tiếng “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” nhưng gần đây, một tờ báo nước ngoài đã chỉ ra trong lĩnh vực kinh doanh, biến đam mê thành công việc sẽ chỉ đem lại tác động tiêu cực.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

1. Bạn có ít thời gian làm những thứ mình yêu thích

Nhiều người có suy nghĩ nếu thật sự yêu thích một lĩnh vực gì đó, hãy đầu tư thời gian và công sức để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ chính sở thích này. Ví dụ nếu thích nướng bánh, bạn có thể tự mở một cửa tiệm nhỏ. Nếu thích thời trang, hãy nghĩ đến việc kinh doanh quần áo. Tuy nhiên thực tế không hề đơn giản như vậy.

Theo tác giả Carol Roth của tờ Entrepreneur, bước chân vào kinh doanh đồng nghĩa với có nhiều việc bạn phải quan tâm, từ quản lý nguồn hàng, giám sát nhân viên, xử lý các sự cố phát sinh đến chạy quảng cáo, điều tiết nguồn vốn ra vào,…Kết quả là đến cuối ngày, bạn chỉ có thể dành rất ít thời gian cho công việc yêu thích của mình, hoặc thậm chí không có.

Trách nhiệm của bạn dưới tư cách chủ doanh nghiệp, không đơn giản là làm một công việc, mà đòi hỏi phải giải quyết nhiều việc cùng lúc. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với việc quản lý, điều hành tất cả các hoạt động của tổ chức và có kỹ năng tốt trong những việc này thì xin chúc mừng, bạn đã đi đúng hướng. Trường hợp bạn chỉ chăm chăm dành thời gian cho đam mê và bỏ mặc những công việc khác, đam mê sẽ dẫn bạn lạc đường.

2. Đam mê không giúp bạn trả các hóa đơn

Cho dù bạn có hứng thú với một ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ,…đến mức nào, thực tế là những thứ này đều không phải một loại tiền tệ. Bạn không thể dùng chúng để trang trải các hóa đơn và duy trì cuộc sống hàng ngày.

Cũng theo Carol Roth, việc theo đuổi đam mê không đảm bảo bạn sẽ thuê được những nhân viên tuyệt vời, tìm kiếm nhiều khách hàng hay sáng tạo ra quy trình hoạt động hợp lý. Phát triển mô hình kinh doanh dựa trên đam mê là một lợi thế, nhưng không nên nghĩ rằng chỉ cần dựa vào đam mê là có thể thành công.

3. Công việc kinh doanh dập tắt ngọn lửa đam mê

Đam mê là điều tuyệt với khi nhờ vào đam mê, chúng ta có thể cân bằng cuộc sống và cảm thấy nhiều niềm vui hơn.

Tuy nhiên cách nhanh nhất để dập tắt đam mê là biến nó thành công việc. Đam mê là thứ gì đó kỳ diệu, nhưng công việc thì không. Bạn có nhớ cảm giác của mình khi phát hiện ra ông già Noel không có thật, hay bố mẹ chúng ta chỉ là những con người bình thường với nhiều khuyết điểm, hơn là những siêu anh hùng? Khi công việc và đam mê hòa làm một, bạn dễ bị cuốn vào những lo toan tiền bạc hàng ngày, dễ thấy chán nản, mệt mỏi.

Nếu có một đam mê hay sở thích để theo đuổi, đừng biến nó thành công cụ nuôi sống bản thân và gia đình. Đôi khi việc kinh doanh từ đam mê có thể rất vui, nhưng đừng quên đó vẫn là công việc. Hãy tách riêng công việc và đam mê để thực sự có thời gian thư giãn, cân bằng lại cuộc sống.

4. Doanh nghiệp thành công không chỉ dựa vào đam mê

Mô hình doanh nghiệp thành công xuất hiện khi thị trường có nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng, hoặc một số vấn đề chưa được giải quyết. Lúc này, những cá nhân với kinh nghiệm sâu rộng và chiến lược hợp lý có mặt, đưa ra các cách giải quyết đúng đắn, vào đúng thời điểm nên họ sẽ gặt hái thành công.

Tuy nhiên, so với quá khứ, chúng ta đang có quá nhiều sản phẩm dịch vụ ở thời điểm hiện tại mà con người không thật sự thấy cần thiết. Nếu có một khoảng trống nào đó trên thị trường, và khách hàng sẵn lòng trả tiền để đáp ứng nhu cầu này, thì khoảng trống ấy cũng rất nhỏ.

Hãy nhớ việc kinh doanh luôn phải bắt đầu từ nhu cầu thị trường. Việc chạy theo sở thích cá nhân chỉ là là một cách để chiều chuộng bản thân, chứ không đặt thị trường làm gốc. Và khi đó thì mô hình kinh doanh rất dễ thất bại.

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không