Kiến thức Chiến lược Nhọc nhằn con đường tìm người kế vị của các “thuyền trưởng”...

Nhọc nhằn con đường tìm người kế vị của các “thuyền trưởng” doanh nghiệp lớn

6
Việc lèo lái dìu dắt một doanh nghiệp đi lên đã khó nhưng tìm kiếm người kế vị đủ tâm đủ tài để yên tâm giao phó trọng trách có lẽ còn khó khăn hơn.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp thành công như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Traphaco, PNJ, Coteccons, FPT,… Sau mỗi doanh nghiệp thành công là những vị tướng lĩnh tài ba, tuy nhiên vốn dĩ chỉ có doanh nghiệp tồn tại lâu dài chứ con người không đánh bại được thời gian. Do vậy, mỗi doanh nghiệp phải có một kế hoạch đào tạo, chuẩn bị lớp kế nhiệm thay thế người cũ.

Mới đây, Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) vừa công bố ra thị trường thông tin “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Bà Nga vốn được ví như “linh hồn” đã lèo lái con thuyền Dược Hậu Giang từ năm 1988 đến nay. Người được chọn kế vị bà Nga chính là ông Đoàn Đình Duy Khương – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách thị trường của Dược Hậu Giang. Ông Khương sinh năm 1974 là thạc sỹ kinh tế ngành quản trị kinh doanh tốt nghiệp tại Bỉ, bắt đầu công tác tại Dược Hậu Giang từ năm 2000.

Bà Nga sinh năm 1951, tức năm nay cũng đã 66 tuổi. Được biết, cách đây 3 năm, khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch HĐQT (2014), bà Nga đã có ý định nhường lại vị trí Tổng giám đốc cho người kế nhiệm nhưng theo đề nghị cổ đông lớn bà vẫn tiếp tục ở lại. Lý do là DHG đang trong giai đoạn chuyển mình với nhà máy mới, chiến lược kinh doanh mới, cơ cấu tổ chức mới… cần chuẩn bị đội ngũ kế thừa vững vàng hơn. Trong giai đoạn này, ông Khương chính là nhân tố được chọn mặt gửi vàng, ông cũng chính là người học trò được bà Nga dìu dắt nhiều năm qua.

Theo đơn từ nhiệm bà Nga chia sẻ qua quá trình xây dựng, phát triển, đào tạo quy hoạch kế thừa cũng như mô hình, cấu trúc mới của DHG trong giai đoạn tiếp theo thì đến thời điểm này hoàn toàn có thể yên tâm giao lại công tác điều hành cho thế hệ kế thừa mà bà đã dày công đạo tạo. Dẫu rời khỏi Ban điều hành nhưng bà vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Công ty với vai trò thành viên HĐQT để tham gia điều hành chiến lược. Đồng thời, cố vấn chuyên môn để chuyển giao nhịp nhàng và hỗ trợ Ban điều hành kết nối, xây dựng các mối quan hệ.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng để có thể tìm được người kế cận đủ tâm đủ tầm có thể gánh vác được trọng trách của người tiền nhiệm tại các doanh nghiệp lớn.

Trường hợp tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc,năm nay cũng đã ở độ tuổi 60 nhưng vẫn kiêm nhiệm cả hai vị trí quan trọng nhất trong PNJ.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 bà Dung cho biết mình phải giữ vị trí Tổng giám đốc ít nhất là 2 năm nữa, việc này với bà mà nói là bất đắc dĩ. “Số tôi chưa được nghỉ ngơi, nhìn bạn bè cùng trang lứa mà thấy mình cực quá, rất tha thiết mong được chuyển giao”, bà Dung tâm sự.

Liên quan đến vấn đề người kế nhiệm, bà Dung cho hay Công ty đã chuẩn bị việc chuyển giao thế hệ từ 5 năm trước đây. Đầu tiên là PNJ đào tạo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nhưng sau 3 năm ông Quỳnh từ chối do thấy không phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh của PNJ, ông cũng mới kết thúc chức danh Thành viên HĐQT từ 27/4/2017. Sau đó, Công ty chuyển qua đào tạo ông Lê Hữu Hạnh – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc – chuyên gia về ngành đá quý và bà Dung rất yên tâm để giao nhiệm vụ Tổng giám đốc. Nhưng thời gian qua Giám đốc xí nghiệp nữ trang bị bệnh tim và thần kinh yếu phải điều về Công ty làm công việc nhẹ hơn, do vậy, ông Hạnh phải xuống làm Giám đốc xí nghiệp. Xí nghiệp sau này sẽ chuyển đổi thành một đơn vị độc lập.

CTCP FPT (HOSE: FPT) cũng khá vất vả để tìm người kế nhiệm và thực tế là chưa có hồi kết. Khi những “cây đại thụ” như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT hay ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đều đã qua tuổi 60 nhưng hai ông vẫn tái đắc cử các vị trí trên cho thêm nhiệm kỳ nữa 2017 – 2022.

Vị trí Tổng giám đốc vốn được ông Bình nắm giữ suốt 21 năm kể từ khi FPT thành lập đến 2009 từng được chuyển giao cho ông Nguyễn Thành Nam và ông Trương Đình Anh. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm tức năm 2012 vị trí này lại về tay ông Bình và đến năm 2013 thì chuyển giao cho ông Ngọc. Sau hai lần truyền ngôi bất thành, ông Bình cũng phải thừa nhận chuyển giao lãnh đạo FPT không dễ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, trả lời câu hỏi cổ đông về việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, ông Bình cho biết không quan tâm đến tuổi tác mà quan tâm đến việc họ làm như thế nào, ở FPT, điều quan trọng là lãnh đạo phải giải quyết được những vấn đề mà các chi nhánh không giải quyết được do đó Công ty đã đưa ra chương trình phát triển năng lực của các cấp lãnh đạo, cấp tập đoàn. Ông cũng cho rằng mọi thứ vẫn ổn và việc xây dựng dàn lãnh đạo FPT đã có kế hoạch chuẩn bị cho vài năm tới.

Trên thị trường có rất nhiều lão tướng như bà Nguyễn Thị Mai Thanh (REE), bà Mai Kiều Liên (VNM), bà Vũ Thị Thuận (TRA), ông Nguyễn Bá Dương (CTD), ông Trần Đình Long (Hòa Phát)… đều là huyền thoại khiến tất cả chúng ta đều chờ đợi xem ai có đủ năng lực, phẩm hạnh có thể trở thành người kế vị cho họ.

Theo NDH

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không