Đầu tháng tư năm 1987, có hai sinh viên bước vào văn phòng của Giáo sư Ron Ditchin’s tại trường đại học Bessemer và tự giới thiệu về bản thân. Họ là Scott Tompkins và Rachel Waller. Bạn bè của Scott khuyên anh nên nói chuyện với giáo sư Ron về kế hoạch mở một đại lý du lịch ở Bessemer. Giáo sư đã mời hai người bạn đến trình bày những ý tưởng đó với mình. Hơn ba tuần sau, giáo sư đã có vài cuộc thảo luận về ý tưởng kinh doanh mới với Scott. Không thể diễn tả hết sự hăng hái của Scott đối với kế hoạch này trong khi cha mẹ anh lại không mấy nhiệt tình cho lắm. Trong một lá thư gửi cho giáo sư Ron (xem Minh họa 2.1), cha của Scott đã bày tỏ những lo ngại của ông khiến giáo sư thấy băn khoăn không biết nên giải quyết tình huống này như thế nào. Hơn nữa, điều đó còn làm giáo sư hồi tưởng lại quãng thời gian bình yên với công việc của một giảng viên đại học.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BESSEMER
Nằm tại Hillsborough, bang California, cách San Francisco khoảng 24 km, trường đại học Bessemer là một trường đào tạo về lĩnh vực kinh doanh có tiếng ở miền tây với gần 1.500 sinh viên đại học, 250 sinh viên theo học chính quy MBA, 1.300 sinh viên theo học MBA bán thời gian và khoảng 100 giáo viên giảng dạy chính thức tại trường. Tờ Barrons của Mỹ đã đánh giá trường Bessemer có khả năng cạnh tranh cao do các sinh viên của Bessemer đều có thể am hiểu về đầu tư tự doanh lẫn các môn học truyền thống. Trường đại học Bessemer có uy tín trên khắp thế giới, được xem như trường đại học số một về giảng dạy và nghiên cứu đầu tư tự doanh. Mỗi nhóm nghiên cứu về đầu tư tự doanh của trường gồm năm giảng viên chính thức tham gia.
DẪN CHỨNG 2.1: Lá thư của Robert Tompkins bày tỏ nỗi lo lắng của mình
Ngày 30 tháng 4 năm 1987
Giáo sư Ronald C.Ditchin
Trường Đại học Bessemer
Hillsborough, CA 92126
THƯ RIÊNG
Giáo sư Ditchin kính mến!
Tôi rất cảm ơn Giáo sư về sự quan tâm, động viên, khích lệ và lời khuyên mà Giáo sư đã dành cho Scott trong việc theo đuổi ước mơ trở thành một nhà đầu tư tự doanh của cháu.
Tôi rất tự hào về Scott. Từ một học sinh trung học bình thường, cháu đã vươn lên trở thành một sinh viên đại học xuất sắc và học tập bằng một nghị lực mạnh mẽ. Cách đây không lâu, Scott còn ngập ngừng khi bước vào thư viện, nhưng giờ đây, không chỉ dành hàng tiếng đồng hồ ở thư viện Bessemer mà còn tìm kiếm thông tin trên bất kì nguồn nào cháu thấy hay. Cháu còn đến cả thư viện ở Stanford và Berkerley.
Mùa hè năm ngoái, Scott nhận được một công việc ở Bear Stearns, Boston – một công việc mà bao nhiêu sinh viên khác đang quyết tâm theo đuổi. Scott hoàn thành tốt công việc đến nỗi giám đốc chi nhánh của Bear Stearns ở San Francisco cũng nghe tiếng và đã mời cháu tới đó làm bán thời gian, giúp họ xây dựng hệ thống quản lý giá cả cho văn phòng của họ.
Sang thu, tôi khuyên Scott nên tự mình thành lập một công ty nhỏ để có kinh nghiệm thực tế bổ ích. Khi đó, cháu đang làm một chương trình về cung cấp phân tích đầu tư khách hàng cho nhân viên môi giới chứng khoán, nhưng rồi lại thôi sau khi nhận thấy một số người môi giới không muốn có chương trình đó.
Trong một cuộc thảo luận ở nhà giữa hai cha con suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, chúng tôi cũng có đề cập đến ý tưởng mở một đại lý du lịch tại trường đại học. Scott đã theo đuổi ý tưởng này bằng cách nói chuyện với Giáo sư và những giáo sư khác, cũng như tìm hiểu về kế hoạch mở đại lý du lịch cùng với những sinh viên đã tốt nghiệp.
Scott khẳng định rằng Giáo sư nói với cháu dự án này rất khả thi; rằng bằng cách tác động lên ban quản lý nhà trường, các cháu có thể mở được văn phòng ở Fenn Hall; rằng có thể huy động vốn đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và có thể tận dụng được một số mối làm ăn của trường Bessemer bằng cách thuyết phục Jerry Kyoto. Còn giờ đây, Scott thực sự rất phấn khích và dồn toàn bộ tâm huyết vào kế hoạch này. Cháu tổ chức một cuộc khảo sát và chỉ trong vòng hai ngày đã nhận được trên 400 hồi âm. Khỏi cần nói với Giáo sư là cháu nó thực sự vui sướng đến thế nào. Nhưng sáng nay khi gọi điện cho tôi, tâm trạng cháu rất tệ do bị điểm C bài kiểm tra môn Kinh tế học tuần trước. Dự án kinh doanh đang ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của cháu và đó thực sự là một vấn đề lớn.
Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi các giáo sư giúp đỡ và khuyến khích sinh viên khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường nên có một quy định để giới hạn nghiêm ngặt về quy mô của các dự án kinh doanh, như vậy chúng sẽ không gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Thứ hai, nên nhấn mạnh trước hết đến việc học hỏi kinh nghiệm xây dựng một dự án kinh doanh có thể thực hiện được, mà quan trọng hơn là phải tìm hiểu thực tế về sự khởi đầu và hoạt động của một doanh nghiệp.
Những gì Scott đã làm trong dự án này là đọc mấy cuốn sách và tổ chức cuộc khảo sát. Cháu cũng có tên của một số sinh viên trường Bessemer đang làm cho các công ty du lịch ở San Francisco.
Tôi đã đưa ra cho Scott một số câu hỏi và đề nghị dưới đây. Vì chúng mà Scott cho rằng tôi cấm đoán và không ủng hộ cháu:
1. Con đã bao giờ thảo luận ý tưởng của mình với bất kỳ người nào làm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch hay chưa? (Cháu chưa bao giờ làm việc cho một đại lý du lịch.)
2. Con định làm thế nào để vừa điều hành một công ty hoàn chỉnh vừa đến trường? (Cháu định thuê một nhà quản lý chuyên nghiệp làm trọn thời gian để điều hành công ty cho mình.)
3. Tại sao con không thu hẹp phạm vi kinh doanh lại, hướng đến một cái gì đó mà con hoàn toàn có thể vừa quản lý vừa theo học tại trường, ví dụ con có thể bắt đầu bằng việc bán vé máy bay? (Không có câu trả lời.)
4. Tại sao con không bàn với những sinh viên trường Bessemer đang làm ở các công ty du lịch về ý tưởng con sẽ đứng ra làm chi nhánh cho công ty của họ tại trường đại học của con? (Không có câu trả lời.)
5. Con định làm thế nào để giải quyết các vấn đề tài chính của công ty? (Câu trả lời là nhờ vào vốn đầu tư mạo hiểm.)
Scott đang sống với ý nghĩ rằng Giáo sư đã khuyến khích cháu tăng tốc, rằng cháu thông minh, quyết đoán, tham vọng và sẽ thành công. Nhưng tôi nghĩ bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp.
Cháu nó đang dự tính sẽ ở lại trường trong mùa hè này, tham gia các lớp học hè và theo đuổi kế hoạch kinh doanh của mình. Tôi hỏi cháu sẽ làm gì để kiếm tiền trả học phí cho các lớp học hè và thuê nhà. Cháu nói chưa biết. Tôi hỏi tiếp cháu định làm gì để kiểm được 3.500 đô-la để đóng học phí năm sau, mà số tiền này nó có thể kiếm được nếu làm thêm trong hè? (Cũng không có câu trả lời).
Tôi nghĩ mình đã nói quá nhiều rồi. Tôi chỉ mong Giáo sư giúp tôi nói chuyện với Scott. Giáo sư hãy nói với cháu rằng tôi và Giáo sư đã bàn bạc rất kỹ và từ đó, Giáo sư khuyên cháu về nhà trong dịp hè này, tiếp tục suy nghĩ về dự án kinh doanh, hoàn thành các nghiên cứu (đặc biệt là nói chuyện với những người làm trong các công ty du lịch) và làm việc cho Bear Stearns hay một đại lý du lịch nào đó ở Boston. Giáo sư hãy nói với cháu rằng bất cứ khi nào cháu muốn thảo luận về dự án thì đều có thể nói chuyện với Giáo sư qua điện thoại cũng được và hãy khuyên cháu nên nghỉ ngơi, thư giãn trong kì nghỉ hè rồi trở lại trường vào mùa thu cùng với một cái đầu tỉnh táo, sáng suốt, một làn da rám nắng và một kế hoạch hoàn chỉnh.
Rất cảm ơn Giáo sư đã giúp đỡ.
Kính thư
Robert Tompkins
Giáo sư Ron Ditchin
Mùa thu năm 1985, Ron Ditchin bắt đầu giảng dạy tại trường Bessemer với tư cách là phó giáo sư thỉnh giảng (visiting associate professor). Lý lịch tóm tắt của ông được trích dẫn ở Minh họa 2.2. Ron vừa phụ trách giảng dạy ba khóa học đầu tự tư doanh trong mỗi học kỳ (khối lượng công việc bình thường của một giảng viên tại trường Bessemer) vừa làm chuyên viên điều phối các chương trình nghiên cứu đầu tư tự doanh của trường, cố vấn chuyên môn cho Tổ chức Trao đổi các vấn đề về đầu tư tự doanh của Bessemer (Bessemer Entrepreneurial Exchange), đồng thời là một nhà nghiên cứu tích cực trong lĩnh vực vốn đầu tư mạo hiểm. Sau học kỳ đầu tiên làm việc tại trường Bessemer, ông được trường mời ở lại tiếp tục giảng dạy. Vì thế, ông xin từ chức ở trường đại hoc Hayward, nơi ông đang là phó giáo sư trong quá trình xét duyệt vào biên chế của trường (tenure-track asscocite professor).
Trong 18 tháng đầu tại trường Bessemer, Ron đã viết được ba bài báo trên các tạp chí đã được giới chuyên môn công nhận và hai bài báo mời phỏng vấn, diễn thuyết tại hai hội nghị quốc gia, được mời làm thành viên Hiệp hội giảng dạy đầu tư tự doanh của Học viên Quản trị (Academy of Management), xuất bản hai cuốn sách về phê bình và là nhà phê bình báo chí cho Hội nghị thường niên của Học viện Quản trị.
Trường đại học Bessmer yêu cầu rất ngặt nghèo về chất lượng giảng dạy và đề cao tầm quan trọng của nó khi xem xét quyết định đề bạt hoặc đưa giảng viên vào biên chế chính thức. Dựa trên những đánh giá của sinh viên và bản đánh giá hàng năm của trưởng khoa, Ron cảm thấy các sinh viên và đồng nghiệp trong khoa hài lòng với chất lượng giảng dạy của ông. Ông cũng biết được mình là một trong số những giảng viên được các sinh viên đề cử cho giải thưởng “Giáo viên của năm”, nhưng rốt cuộc ông không dành được danh hiệu đó.
Ron đã có bằng tiến sĩ toán học ứng dụng và trúng tuyển vào chương trình đào tạo Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (Doctor of Business Administration – DBA) của trường đại học San Francisco. Ý định ban đầu của Ron khi đăng kí chương trình này là học hỏi thêm những phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và khoa học kinh doanh. Nhưng ông nhận thấy trường Bessemer muốn ông lấy bằng DBA trước khi họ đưa ông vào biên chế chính thức của nhà trường chứ không chỉ ở vị trí thỉnh giảng. Ông vượt qua kì thi tổng hợp vào tháng một năm 1987 và chuẩn bị viết luận án tiến sĩ vàơ mùa hè.
DẪN CHỨNG 2.2 Hồ sơ cá nhân
RONALD C.DITCHIN
Ronald C.Ditchin, Cử nhân văn chương – BA (Đại học Harvard, 1959), Thạc sĩ khoa học – MS, Tiến sĩ – PhD (Đại học Brown, 1964), Cử nhân Quản trị kinh doanh (Santa Clara, 1979), phó giáo sư thỉnh giảng và chuyên viên điều phối chương trình nghiên cứu đầu tư tự doanh của trường đại học Bessemer. Những lĩnh vực chuyên môn mà ông quan tâm bao gồm đầu tư tự doanh, công nghệ mới, vốn đầu tư mạo hiểm và thay đổi tổ chức. Công trình nghiên cứu mới đây của ông viết về những dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các công ty công nghệ cao và có nhiều cải tiến. Năm 1984, ông cùng với một cộng sự đã xây dựng và khởi động IHS Data Base Service.
Trước khi bắt đầu công việc giảng dạy tại trường đại học vào năm 1979, tiến sĩ Ditchin đã nghiên cứu cơ bản về cấu trúc phân tử ADN, sáng lập một quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp, và quản lý một bộ phận của công ty NYSE. Công ty của ông đã nhận được giải thưởng công nghệ cao vì đã phát triển một trong số hàng trăm sản phẩm công nghệ đáng chú ý được giới thiệu tại Mỹ năm 1976. Ông đã quảng bá các sản phẩm công nghệ ra toàn thế giới. Ông cũng là tác giả của một cuốn sách giáo khoa và một số bài báo về sinh lý thực nghiệm.
Ông cũng là cố vấn chiến lược cho các tập đoàn công nghệ. Trong số những khách hàng gần đây của ông có 3M, Hewlett-Pakard, Intel, Beckman và Syntex.
SCOTT TOMPKINS: KHỞI NGHIỆP LÀM ĐẠI LÝ DU LỊCH
Ron chưa từng gặp Scott hay Rachel cho đến khi họ bước vào văn phòng của ông. Scott và bạn mình đã tìm đến Ron để xin một lời khuyên về khả năng trở thành nhà đầu tư tự doanh của họ. Đây là năm học thứ hai tại trường đại học, vì vậy Scott và Rachel cần phải đăng ký khóa học đầu tư tự doanh bắt buộc đầu tiên của mình vào mùa thu tới nếu muốn chọn chuyên đề trong môn học này. Ron giải thích những yêu cầu của chuyên ngành đầu tư tự doanh và khuyến khích họ cân nhắc việc này. Ông cũng cho họ biết rằng một trong số những khóa học bắt buộc sẽ yêu cầu họ phải viết một dự án kinh doanh dành cho một công ty mới khởi nghiệp.
Scott nói với Ron về việc anh muốn mở một đại lý du lịch tại trường đại học. Vị giáo sư hỏi Scott câu hỏi muôn thuở mà ông luôn dành cho bất kì sinh viên nào đến chia sẻ với ông những dự án kinh doanh của họ, đó là: Em biết gì về ___________? Trong trường hợp này từ điền vào chỗ trống là “những đại lý du lịch”. Scott trả lời:
– Chúng em phải đi lại rất nhiều. Em sống ở Boston.
Giáo sư hỏi tiếp:
– Đã có ai trong số hai em từng làm việc cho một đại lý du lịch nào chưa?
– Dạ, chưa ạ.
– Có ai có cha mẹ hay bạn thân sở hữu một công ty du lịch hoặc làm việc trong ngành du lịch không?
– Thưa, không ạ.
– Thế này nhé, tôi không định nói rằng các em nhất thiết phải từng làm việc trong một ngành nghề nào đó trước khi các em định mở một công ty tương tự. Nhưng chúng ta đều biết rõ rằng gần 90% số công ty kinh doanh đều được chính những người đã có kinh nghiệm trong cùng ngành đó thành lập… Tôi nói điều đó hoàn toàn theo kinh nghiệm của mình chứ không đề cập đến các em như những khách hàng. Ví dụ, tôi đã gặp rất nhiều sinh viên muốn mở hệ thống bán đồ ăn nhanh. Tôi luôn luôn hỏi họ rằng họ đã từng làm việc ở McDonald’s hay một nhà hàng kiểu như vậy hay chưa? Nếu chưa – mà thường thì họ đều trả lời như vậy – tôi sẽ khuyên họ đi tìm việc trong một nhà hàng bán đồ ăn nhanh rồi hãy quay lại nói chuyện với tôi. Học kỳ trước có một sinh viên đã làm như vậy. Cậu ấy vào làm cho nhà hàng McDonald ở địa phương và kết thân với giám đốc khu vực, người chịu trách nhiệm lựa chọn các quán ăn để nhượng quyền kinh doanh và giúp họ mở nhà hàng. Sau hai tháng, những gì cậu ấy học hỏi được đã đủ để cậu ấy xây dựng kế hoạch mở nhà hàng đồ ăn nhanh của riêng mình. Một sinh viên khác cũng đã bước vào văn phòng này và nói với tôi rằng cậu ấy có một ý tưởng vô cùng tuyệt vời về nhà hàng đồ ăn nhanh. Tôi vẫn hỏi lại câu hỏi cũ. Cậu ấy trả lời là đã làm cho Burger King và căm ghét công việc ở đó. Cậu ấy bỏ việc ngay sau ngày đầu tiên đi làm và tuyên bố không thể chịu đựng nổi đồ ăn nhanh. Tôi nói thế thì cậu ấy hãy quên ngay cái ý định trở thành người kinh doanh đồ ăn nhanh đi.
Scott hỏi:
– Vậy giáo sư nghĩ chúng em nên đi làm cho một đại lý du lịch?
– Hiển nhiên là như vậy. Hè này các em hãy tìm việc gì đó làm trong một công ty ở Boston, hãy hỏi người ta thật nhiều câu hỏi và tìm hiểu về tất cả những khía cạnh của công việc này, càng nhiều càng tốt. Khi nhập học trở lại hãy tới gặp tôi, tôi sẵn sàng giúp các em lập kế hoạch kinh doanh.
– Nhưng cơ hội này không thể chờ lâu thế được. Và dù sao đi nữa, chúng em cũng chỉ còn học ở Bessemer có 2 năm. Chúng em muốn bắt đầu ngay để có thể đưa đại lý đi vào hoạt động trước khi bước vào học kì tới.
– Tôi nghĩ các em nên nói chuyện với 2 sinh viên MBA đã xây dựng một dự án mở đại lý du lịch tại trường đại học và đang học ở lớp MG 501: Đầu tư tự doanh. Tháng sau, họ sẽ tốt nghiệp nên thực tế là họ sẽ không mở đại lý . Tuy nhiên, họ rất sẵn lòng giúp hai em. Đây là tên của 2 người đó. Hãy nói với họ là tôi giới thiệu họ cho các em nhé.
– Cảm ơn giáo sư. Chúng em sẽ đến nói chuyện với họ. Còn việc gì khác mà chúng em nên thực hiện không ạ?
– À, trước tiên các em cứ tìm việc ở một công ty du lịch vào mùa hè này đi. Nhưng hai em có thể tìm hiểu thêm một số thông tin sơ bộ. Hãy nói chuyện với Jerry Kyoto. Ông ấy là người phụ trách các vấn đề về quản trị của trường và là một trong số những nhân vật quyền lực nhất ở đây. Ông ấy cứ khăng khăng bắt tất cả chúng tôi phải mua vé cho những chuyến du lịch của trường từ Hillsbofough Valley Travel. Ông ấy sẽ phản đối nếu chúng tôi mua ở bất cứ chỗ nào khác, mặc dù sẽ tốt hơn cho ngân sách của Bessemer khi chúng tôi mua bằng thẻ tín dụng cá nhân. Ông ấy có thể cho các em biết khoản tiền mỗi năm Bessemer phải chi cho những chuyến du lịch dành cho các giảng viên. Hơn thế nữa, trong khuôn viên trường có các văn phòng mà các em có thể thuê để kinh doanh kiếm lời. Các em sẽ cần đến một trong số những văn phòng đó. Vấn đề này thuộc quyền hạn của Jerry. Các em cũng cần phải có vốn nữa. Vốn sẽ được lấy từ đâu? Hãy gọi điện cho John Herbacek ở International Charter. Công ty của John là một trong những công ty cho thuê dịch vụ du lịch lớn nhất ở Mỹ. Ông ấy sáng lập ra nó chỉ vài năm sau khi hoàn tất chương trình MBA của trường Stanford. Năm ngoái, ông ấy đã đến nói chuyện với các sinh viên trường mình. Cái cách ông huy động vốn ban đầu để kinh doanh thực sự rất sáng tạo. Hãy nói với ông ấy là tôi giới thiệu các em đến.
Scott nói:
– Cảm ơn sự giúp đỡ của giáo sư rất nhiều. Chúng em sẽ nói chuyện với 2 sinh viên MBA và Jerry Kyoto.
– Ok. Các em có thể đến gặp tôi bất cứ lúc nào. Nếu tôi không có ở đây, hãy gọi về nhà tôi.
Cơn sốt đầu xuân
Hai tuần sau, giáo sư Ron tình cờ gặp Rachel ở trường. Ông chào hỏi cô:
– “Kế hoạch mở đại lý du lịch của các em thế nào rồi?”
– Dạo này em và Scott không được thân thiết cho lắm. Rachel đáp lại.
– Tôi rất tiếc khi nghe điều đó. Tôi vẫn thường nói với các sinh viên của mình rằng cách chắc chắn để kiểm chứng sự bền vững của một mối quan hệ là bắt đầu làm ăn với nhau – giáo sư cười và đáp lại.
Đi được một đoạn, Ron nghĩ thầm “Lại thêm một ý tưởng kinh doanh của sinh viên nữa tiêu tan. Ở trường này, những ý tưởng kinh doanh đến và đi còn nhanh hơn cả những mối tình lãng mạn trong kì nghỉ xuân.” Vì thế nên ông khá ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi từ Scott vào thứ 6 ngày 24-4. Scott hỏi liệu anh có thể đến văn phòng của ông để thảo luận về những kế hoạch của mình hay không. Giáo sư hỏi:
– Cậu có thể đợi đến sau khi thi xong kỳ thi cuối kì khoảng 10 ngày được không?
Thời gian này, giáo sư Ron thực sự rất bận. Trước mắt ông là 10 ngày vất vả. Thứ Hai tới ông sẽ đến Vancouver để thuyết trình với Qũy tài trợ Các nghiên cứu Tài chính của về vốn đầu tư mạo hiểm cho những công ty khởi nghiệp công nghệ cao (high-tech start-up). Ông sẽ bay sang đó vào sáng chủ nhật để có thể dùng bữa trưa với phụ huynh của một sinh viên MBA ở nhà hàng mà họ mới mở sáu tháng trước. Vào tối thứ Hai, ông sẽ quay về San Francisco, sau khi lên lớp vào thứ ba, ông lại bay đến Boston để dự hội thảo nghiên cứu về đầu tư tự doanh trong ba ngày tại trường đại học Cape Cod. Tại đây, ông cũng có một bài thuyết trình. Như vậy, ông phải chuẩn bị hai bài thuyết trình, một cuộc nói chuyện sau bữa trưa và xem qua một số bản nháp kế hoạch kinh doanh của các sinh viên trước khi đến Vancouver vào sáng chủ nhật.
Scott nói tiếp:
– Việc này rất gấp thưa giáo sư. Jerry Kyoto khiến em rất nản. Nhưng dù thế nào đi nữa chúng em vẫn tiếp tục. Chúng em cần phải gặp giáo sư hôm nay.
– Ok. Vậy em đến đây. Tôi có thể dành cho em tối đa là 15 phút
Rồi giáo sư nghĩ thầm “Thế đấy, lúc nào mình cũng có thể làm việc cả trên máy bay và tại phi trường”
Đại Lý Du Lịch
Vài phút sau, Scott bước vào văn phòng cùng với một sinh viên khác. Scott chào giáo sư và nói:
– Thưa giáo sư Ditchin, em muốn giới thiệu với thầy đây là Mario Ricciardelli. Cậu ấy sẽ là cộng sự của em trong kế hoạch đại lý du lịch. Từ khi chúng ta nói chuyện với nhau, em đã dành rất nhiều công cứ cho kế hoạch này. Em đã gặp 2 sinh viên MBA mà thầy giới thiệu. Họ tin chắc là có đủ khả năng để mở một đại lý du lịch trong Bessemer nhưng họ lại không cho chúng em xem kế hoạch của họ. Chúng em cũng đã gặp một vài đại lý du lịch và nhờ họ giúp đỡ để mở văn phòng tại Bessemer. Họ rất nhiệt tình.”
Scott lại tiếp tục bày tỏ “ Nhưng Jerry Kyoto lại làm chúng em nản hết sức. Ông ấy nói trong trường chẳng còn phòng trống nào cho chúng em thuê cả.”
Giáo sư nói:
– Thật buồn cười. Ông ấy còn rất hồ hởi khi 2 sinh viên MBA đến nói chuyện với ông ấy cơ mà. Không biết cái gì khiến ông ấy đổi ý?
– Jerry nói rằng ông ấy muốn có một đại lý du lịch trong trường vào tháng 1 năm sau. Chúng em nghĩ ông ấy đang dự định thỏa thuận với Hillsborough Valley Travel. Ông ấy cũng cho biết ở Trung tâm Sinh viên mới sắp được khánh thành đầu năm 1988 sẽ có phòng trống. Nhưng chúng em không thể đợi đến lúc đó. Chúng em muốn mở đại lý vào tháng 9 năm nay.
Giáo sư hỏi Scott:
– Các em cần bao nhiêu vốn và số tiền đó các em sẽ lấy ở đâu?
– Chúng em không nghĩ đó là vấn đề lớn. Chúng em sẽ nói chuyện với một số người quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này. Giáo sư có biết Andy Brown không ạ? Gần đây ông ấy đã đến trường nói chuyện với sinh viên. Một trong những khách hàng của Brown đã đầu tư 30.000 đô la cho dự án kinh doanh do sinh viên của ông ấy đưa ra. Hè này em định ở lại San Francisco để tìm cách khởi động dự án của mình. Giáo sư có thể giúp em không ạ?
– Được rồi, tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp em. Tôi sẽ có mặt ở trường trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6. Vào tháng 7 và 8, tôi về nhà riêng ở Carmel. Tôi về đó để viết lách. Thường thì trong thời gian này cứ 2 hoặc 3 tuần tôi lại đến trường 1 lần. Mà em đã tìm được việc ở đại lý du lịch nào chưa?
– Chưa ạ, nhưng chúng em đang dự định sẽ tìm việc. Chúng em đang lấy ý kiến từ các giảng viên, nhà quản lý và các sinh viên để xem nhu cầu du lịch mà chúng em có thể khai thác trong trường là bao nhiêu. Chúng em muốn nhờ thầy hoàn thành bản nháp của bản câu hỏi này và góp ý cho chúng em nếu có chỗ nào phải thay đổi. Chúng em cũng đã đưa nó cho một giáo sư thông kê rồi.
ROBERT TOMPKINS: NHỮNG LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH
Chiều thứ 3, 28-4, giáo sư Ron đang mải mê làm việc trong văn phòng trước khi bay đến Boston. Ông phải đọc một bản sao đã chỉnh sửa của bài thuyết trình đã được tạp chí đồng ý đăng tải để gửi lại cho người biên tập; phải nói chuyện với một số sinh viên về bản nháp những kế hoạch kinh doanh của họ; phải nhận slide từ Dịch vụ Truyền thông và sắp xếp lại cho khớp với bài thuyết trình của ông trước hội thảo nghiên cứu tại trường đại học Cape Cod vào thứ 3; phải trả lời đến hơn nửa tá cuộc điện thoại; phải gọi đến SBA (Cơ quan quản trị hành chính tiểu thương Hoa Kỳ – The United States Small Business Administration); và phải dọn dẹp đống giấy tờ đã chồng chất trên bàn hôm thứ 2. Đến bữa trưa, giáo sư không được vui khi ông nói với một đồng nghiệp rằng tối nay mình sẽ bay đến Boston, và vị chủ nhiệm khoa đó đáp “lại một chuyến du hí nữa”.
Giáo sư đang ngồi cùng 2 sinh viên năm cuối thì điện thoại reo:
– Tôi là Robert Tompkins, cha của Scott. Cháu là sinh viên đã được giáo sư khuyến khích mở một đại lý du lịch ở trường đại học. Cuối tuần vừa rồi tôi đã đến Bessemer. Tôi có ghé thăm văn phòng của giáo sư hôm thứ 2, nhưng thầy không có ở trường. Tôi đã để lại lời nhắn rằng tôi mong được gặp Giáo sư ở Boston vào tuần này.
Giáo sư trả lời:
– Tôi rất vui lòng. Ngày mai tôi sẽ có mặt ở Boston, tại hội thảo nghiên cứu ở trường đại học Cape Cod. Chúng ta hãy gặp nhau ở đó. Xin ông cho biết ngày giờ cụ thế.
– Không cần phải vậy đâu. Tôi là cựu sinh viên của trường Bessemer và được mời tham dự hội thảo để gặp một giảng viên của trường cũng sẽ đến có mặt ở đó. Tôi sẽ tìm giáo sư. Tuy nhiên, trước khi giáo sư đến Boston, tôi sẽ rất biết ơn nếu thầy nói chuyện với Scott về 2 vấn đề: (1) Thu hẹp phạm vi của công việc kinh doanh đại lý du lịch, chỉ liên quan đến những gì có tính khả thi với một sinh viên còn phải dành thời gian chính cho việc học; (2) Cháu nó chưa quyết định dứt khoát về việc ở lại San Francisco trong mùa hè này để làm việc cho một đại lý du lịch và thảo luận về kế hoạch kinh doanh với giáo sư.
– Scott muốn thành lập một đại lý du lịch với đầy đủ các dịch vụ thông thường được quản lý bởi một người có kinh nghiệm. Thực sự tôi rất mong Scott học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm về cách lên kế hoạch, bắt đầu và điều hành một công việc kinh doanh, nhưng một điều quan trọng là ông phải hướng dẫn cậu ấy cách thu hẹp phạm vi của kế hoạch vào những thứ có tính thực tế về tài chính và khôn ngoan về thời gian. Một sinh viên đang tràn đầy nhiệt huyết như Scott rất cần có được sự động viên khích lệ đối với những nỗ lực của mình. Điều quan trọng ở đây là kinh nghiệm mà một sinh viên nhận được từ quá trình tự xây dựng một kế hoạch kinh doanh VÀ đưa kế hoạch đó đi đến thành công, không cần biết quy mô của nó nhỏ cỡ nào.
– Thưa giáo sư Ditchin, mỗi khi tôi đưa ra đề nghị về những kế hoạch với cháu Scott, tình hình đều trở nên căng thẳng. Vì vậy, tôi sẽ rất cảm kích nếu ông khuyên cháu nó thu hẹp phạm vi kinh doanh và về nhà trong mùa hè này.
– Ông Robert ạ, tôi sẽ cố gắng để kiểm soát hướng đi của cậu ấy. Chắc chắn tôi sẽ nói chuyện với Scott trước khi đến Boston. Tôi rất tiếc vì hôm qua đã không có mặt ở văn phòng. Tôi rất muốn được nói chuyện với cả ông và Scott. Hy vọng tôi sẽ gặp được ông ở Đại học Cape Cod.
Sau đó, giáo sư gọi cho Scott nhưng không có câu trả lời. Ông đã nói chuyện xong với các sinh viên của mình và vẫn còn 4 người khác đang đợi. Một lát sau, Scott bước vào văn phòng.
– Chúng ta cần phải nói chuyện. Bố cậu vừa gọi cho tôi. Ông ấy muốn hè này cậu về Boston.
– Em biết. Ông ấy không muốn em thực hiện công việc kinh doanh này. Nhưng Ông ấy không đáng bị trách cứ. Ông ấy hiểu chứ. Ông đã thành lập 5 công ty – tất cả đều thành công. Tất cả là do mẹ em. Bà không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ em sẽ xa gia đình trong mùa hè.
– Ba cậu nói cậu cần phải làm việc để kiếm tiền chi trả cho việc học. Điều đó có cần thiết không?
– Gia đình em không giàu có nhưng cũng thuộc tầng lớp khá giả. Em không quan tâm đến việc mình không thể tiếp tục đi học nếu không kiếm được nhiều tiền như năm ngoái khi còn làm cho Bear Stearns. Em sẽ ở lại San Francisco để khởi sự công việc kinh doanh này.
– Thế còn việc học trên lớp? Cậu có gặp rắc rối gì không? Ba cậu khá lo lắng về chuyện này.
– Không có gì ạ. Điểm trung bình của em là hơn 3 (2 là mức yêu cầu để đạt tốt nghiệp và 4 là mức tối đa có thể đạt được.
– Tốt, tôi sẽ gặp bố cậu ở Boston và nói chuyện với ông ấy. Ông ấy có nhận thấy là cậu có thể hoàn thành tốt chương trình học chuyên môn để vừa học vừa kinh doanh không?
– Giáo sư hãy nói với ông ấy rằng đây là một ý tưởng hay và ông ấy nên ủng hộ em. Kế hoạch này sẽ không tốn của ông một xu nào. Ông ấy đã nói sẽ không giúp em về mặt tài chính trong vụ này rồi. Chúc thầy có một chuyến đi vui vẻ đến Boston. Gặp lại thầy tuần sau.
NHÀ HÀNG MERMAID, HYANNIS
Tối thứ 3 ngày 30-4, giáo sư Ron đang thư giãn với một ly coktail tại Nhà hàng Mermaid, nơi diễn ra bữa tiệc của những người tham dự hội nghị. Ngay trước khi bữa tối được dọn ra, Robert Tompkins đến gặp giáo sư và tự giới thiệu mình cùng vợ và cậu con trai nhỏ đang học năm thứ 2 ở trường trung học. Gia đình dễ mến ấy đã nói chuyện với giáo sư khoảng 15 phút.
Trong suốt cuộc nói chuyện, giáo sư đã cố gắng làm mọi người bớt lo lắng về Scott. Bà Tompkins nói Scott thường xuyên gọi cho họ. Chỉ trong vòng 24 giờ mới đây, cậu ấy đã gọi đến 5 cuộc. Bà đang cố tìm một khóa học mùa hè nào đó ở Boston có thể giúp Scott học thêm về kinh doanh du lịch và đã tìm được một khóa, nhưng Scott đã thông báo sẽ về nhà trong tháng 5 rồi quay lại trường vào tháng 6 và 7, khi giáo sư Ditchin có thể giúp cậu thực hiện kế hoạch rồi lại về nhà trong tháng 8. Gia đình Tompkins không hài lòng lắm với ý tưởng này.
Ông Robert giải thích rằng hôm thứ 2 họ đã đến Bessemer để chỉ cho cậu con trai thứ thấy ngôi trường. Robert cùng con trai đã gặp John Welch, giám đốc trường đại học Bessemer. Ông cũng đã nói chuyện với Jerry Kyoto, bạn cùng lớp với ông ở Bessemer năm 1958. Đã gần 30 năm ông không gặp lại Jerry.
Khi giáo sư Ron và gia đình Tompkin chào tạm biệt, ông Robert đưa cho giáo sư một lá thư ghi chú “Thư bí mật” (xem Minh họa 2.1) và đề nghị giáo sư hãy đọc nó.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BESSEMER – THỨ HAI NGÀY 4 THÁNG 5 – MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG TẠI VĂN PHÒNG
Khi bước vào phòng làm việc của mình lúc 8h15, giáo sư Ron băn khoăn không biết khi nào có thời gian rảnh để gọi cho Scott Tompkins. Từ Boston, ông đã trở về San Francisco trên chuyến bay tối để có thể ở nhà cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Tôi thứ 6 tuần trước, khi ông vừa bước qua cánh cửa để vào nhà thì vợ ông nói có 2 sinh viên đã gọi đến và muốn ông gọi lại cho họ. Giờ ăn trưa ngày thứ 7, một sinh viên đồng thời là phó chủ tịch phụ trách điều hành của Bessemer Entrepreneurial Exchange gọi cho ông để thông báo về việc Carol Leitch, người làm công việc quản lý bán thời gian của tổ chức, đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật quan trọng ở Trung tâm Y tế Stanford hôm thứ 3 tuần trước. Cuộc phẫu thuật thành công, nhưng cố ấy sẽ không thể quay trở lại làm việc trong học kỳ này. Đến buổi chiều, một thành viên của Hội sinh gọi cho ông để bàn bạc một vấn đề quan trọng. Một sinh viên gọi điện để xin giáo sư giúp đỡ vì cậu ta không thể điều chỉnh được bảng cân đối kế toán với tình hình thu nhập của kế hoạch kinh doanh đang được viết. Buổi tối, một sinh viên khác gọi đến và hỏi giáo sư liệu cô ấy có thể nộp bản kế hoạch dự án kinh doanh chậm 2 ngày để có thể thu thập thêm một số thông tin mới và quan trọng hay không.
Ngày chủ nhật, Ron đã làm việc trong gần 8 giờ đồng hồ để chuẩn bị tài liệu giảng dạy. Có hai cuộc điện thoại từ các sinh viên – cuộc gọi cuối lúc 10h15’ sáng. Tối hôm đó, ông cùng với vợ mình, bà Jane, ngồi xem phim về cuộc đời của Henry Ford. Giáo sư vừa xem vừa sửa lại một bài báo. Trong một cảnh của phim, Henry Ford nói với vợ mình: “Anh yêu em” và bà Ford đáp lại “Không Henry ạ, 20 năm nay anh chưa từng yêu bất cứ ai. Anh chỉ yêu cái công ty của anh mà thôi.”. Bà Jane quay sang nói với chồng mình một cách châm biếm “Không phải chứ. Nghe như ai đó mà mình quen”.
Giáo sư thường đến trường lúc 7h15’ sáng. Hôm nay, ông tới muộn hơn, lúc 8h15’, vì phải đi ăn sáng với 2 đồng nghiệp trong khoa nghiên cứu kinh doanh của mình để thảo luận với một nhà tài trợ tiềm năng về việc cung cấp tài chính cho hoạt động nghiên cứu. Ông có một buổi thi bắt đầu lúc 8h30 và lúc này ông đang kiểm tra hộp tin điện thoại để xem có chuyện gì khẩn cấp không. Một tin nhắn đến từ vị chủ tịch một công ty nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, người này đã phỏng vấn 5 sinh viên của giáo sư để tuyển dụng vào vị trí trợ lý hành chính cho ông ta . Ông ta thu hẹp số lượng cần tuyển dụng xuống còn hai người và muốn thảo luận thêm về 2 sinh viên này với giáo sư vào bữa trưa. Ông đã nhờ thư ký của mình gọi cho vị chủ tịch để nói rằng thời gian gặp mặt chỉ có thể là từ 1h30’ đến 2h30’ chiều.
Thời gian còn lại trong ngày giáo sư cũng rất bận bịu. Buổi thi kéo dài đến 1h30’ chiều. Từ 2h30 đến 4h, ông có hẹn với các sinh viên. Sau đó, lúc 4h ông phải gặp một cựu sinh viên, người đang cần lời khuyên của giáo sư cho công ty nhỏ đã đi vào hoạt động của cô.
Cuối cùng, đến 5h chiều, giáo sư cũng tìm được thời gian để gọi điện cho Scott Tompkins. Họ đồng ý gặp nhau vào bữa sáng ngày hôm sau. Lúc 5h30’ chiều, cô con gái út của giáo sư gọi cho ông và nhờ ông đến trường đón cô lúc 6h. Vừa lái xe dọc theo xa lộ Bayshore, ông vừa ngẫm nghĩ về ngày hôm nay của mình. Buổi thi đã diễn ra suôn sẻ. Ông rất hài lòng với những kế hoạch kinh doanh mà các sinh viên đã trình bày. Ông cũng gần như đã chắc chắn sẽ tìm được chỗ làm cho 1 trong số các sinh viên của mình. Tuy nhiên, giáo sư không được vui lắm vì ông vẫn chưa đọc hết đống thư trên bàn làm việc; chưa gọi điện cho SBA để nói về những bài thuyết trình tuần tới; chưa sắp xếp cho người trợ giảng bán thời gian giảng dạy khóa đào tạo MBA đầu tư tự doanh cho các doanh nhân trong học kì mùa hè thứ hai; chưa trả lời ít nhất là nửa tá cuộc điện thoại, trong đó có cả một cuộc điện thoại từ nhân vật quản lý cấp cao của Ernst & Young ở Los Angeles, cũng là một trong những khách hàng của giáo sư; chưa nói chuyện với phó chủ tịch phụ trách điều hành của Bessemer Entrepreneurial Exchange về một thông tin bị xử lý chậm do sự trục trặc trong khâu điều hành của người quản lý. Ông tự hỏi không biết còn việc gì mà mình chưa hoàn thành nữa không?
Ông nghĩ “Mình phát điên mất thôi. Số giờ làm việc của mình bây giờ còn nhiều hơn cả hồi mình mở công ty công nghệ cao đầu tiên năm 1970. Tất nhiên, áp lực thì không bằng ngày ấy, nhưng mình cũng không còn ở cái tuổi 32 nữa rồi.” Tối hôm đó, lúc 9h45, ông đang làm việc trên chiếc máy vi tính và suy nghĩ xem nên làm thế nào với Scott nói riêng và với tình thế của ông nói chung thì chuông điện thoại reo:
“Chào thầy, em là Pedro Ramirez. Em sắp nhận được nguồn tài trợ cho công việc kinh doanh của mình rồi. Em sẽ có cuộc gặp cuối cùng với các nhà đầu tư vào 12-5. Chúng ta có thể bắt đầu cắt kim loại trước tháng 6.”
Trong học kỳ mùa thu, Pedro đã viết một kế hoạch kinh doanh cho về một công ty khởi nghiệp chuyên về lĩnh vực công nghệ cao trong lớp MBA của giáo sư Ron. Trong 4 tháng, Pedro đã bốn lần tới xin ông lời khuyên về kế hoạch và nguồn tài trợ cho nó. Giáo sư nói chuyện vui vẻ với Pedro. Khi đặt ống nghe xuống, ông tự nhủ “Đó chính là điều khiến tất cả những gì mình làm trở nên có nghĩa. Nếu Pedro nhận được tiền thì đây sẽ là kế hoạch kinh doanh thứ hai trong lớp được tài trợ.”
Trước khi ngủ, giáo sư lại băn khoăn về cuộc gặp sáng mai với Scott “Mình sẽ làm gì với lá thư của ông Tompkins đây? Mình nên nói gì với Scott?”
Theo bwportal/William D. Bygrave, Lại Hồng Vân dịch
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông