Chữ ký số là gì?
Nếu như một giao dịch thông thường, các bên liên quan phải đặt bút ký vào tài liệu để xác nhận về trách nhiệm của mình đối với nội dung trên tài liệu đó thì trong môi trường số cũng vậy, để cam kết về những nội dung trên tệp tài liệu cũng như để tránh bị giả mạo thì người ta sử dụng một cách tương tự đó là chữ ký số, hay còn được gọi là chữ ký điện tử.
Để sử dụng chữ ký số thì người dùng phải có một cặp khoá gồm khoá công khai (public key) và khoá bí mật (private key). Khoá bí mật dùng để tạo chữ ký số, khoá công khai dùng để thẩm định chữ ký số hay xác thực người tạo ra chữ ký số đó.
Tích cực ứng dụng chữ ký số cho các dịch vụ công
Chữ ký số là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản: word, excel, pdf…; hình ảnh; video…) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó. Chữ ký số được hiểu như con dấu điện tử của doanh nghiệp. Vì vậy, chữ ký số không những chỉ dùng trong việc kê khai thuế, mà người sử dụng còn có thể sử dụng trong tất cả các giao dịch điện tử với mọi tổ chức và cá nhân khác.
Ông Đào Đình Khả – Giám đốc Trung tâm Chứng thực số Quốc gia cho biết trong thời gian qua, nhằm triển khai Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng khóa công khai tại nước ta đã được khẩn trương tiến hành. Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang tích cực ứng dụng các dịch vụ chứng thực chữ ký số để phục vụ cho công tác quản lý điều hành, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cũng như các hoạt động kinh doanh nghiệp vụ khác.”
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan đã cấp phép cho một số doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ chức thực chữ ký số công cộng. Trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Chính phủ đang được tiến hành triển khai.
MISA đã sẵn sàng cho các dịch vụ về chữ ký số
Nắm bắt được nhu cầu ứng dụng chữ ký số đang ngày càng mạnh mẽ, với kinh nghiệm của một doanh nghiệp phần mềm lâu năm, MISA đã nhanh chóng có những động thái phát triển và hợp tác để cho phép phần mềm kế toán MISA tích hợp được chữ ký số, thuận tiện cho công tác giao dịch của người dùng.
Đánh giá cao sự tiên phong đó, ông Đào Đình Khả nhận định: “Việc MISA tích hợp chức năng xác thực bằng chữ ký số vào các giải pháp của mình là một hướng đi đúng của các doanh nghiệp phát triển phần mềm. Tính năng này sẽ cho phép các ứng dụng có thể được kết nối trực tuyến với các hệ thống dịch vụ của Chính phủ và đối tác, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng.”
Bước đầu, trên phần mềm Kế toán Doanh nghiệp vừa và nhỏ MISA SME.NET 2010, MISA đã cập nhật những tính năng mới nhất để giúp các đơn vị, tổ chức dễ dàng ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch tài chính. Các doanh nghiệp khi sử dụng MISA SME.NET 2010 chỉ cần xuất khẩu các tờ khai thuế GTGT, bảng kê thuế đầu ra, bảng kê thuế đầu vào, báo cáo tài chính, các báo cáo quản trị… ra dạng tệp .pdf, sau đó thực hiện các thao tác để đưa chữ ký số vào văn bản là hoàn toàn có thể gửi văn bản có giá trị pháp lý như các văn bản được in và đóng dấu đỏ thủ công để gửi cho cơ quan Thuế qua mạng Internet.
Để đảm bảo tính pháp lý, chính xác cho các đơn vị sử dụng phần mềm MISA SME.NET 2010, MISA đã hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng như: Bkav, VNPT,… để tích hợp chữ ký số vào ngay trong phần mềm MISA SME.NET 2010.
Ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkav Telecom – đơn vị hợp tác với MISA trong việc tích hợp chữ ký số chia sẻ: “Hợp tác với MISA là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch mở rộng thị trường của Bkav. Các kỹ sư của hai bên đã hợp tác để tích hợp chức năng ký số vào các phần mềm kế toán của MISA. Như vậy, khi doanh nghiệp sử dụng phần mềm của MISA thì phần mềm đã sẵn sàng những tính năng như: tạo hóa đơn điện tử, khai thuế qua mạng với cơ quan thuế… Ngoài ra, MISA cũng là đại lý cung cấp dịch vụ chữ ký số BkavCA. Doanh nghiệp sẽ được hưởng mức giá ưu đãi khi sử dụng các gói sản phẩm kết hợp giữa phần mềm kế toán MISA và chữ ký số BkavCA”.