Kiến thức Tài chính kế toán Giá thành sản phẩm và phân loại giá thành sản phẩm

Giá thành sản phẩm và phân loại giá thành sản phẩm

26131
Thế nào là giá thành sản phẩm và phân loại giá thành theo những tiêu chí nào là điều mà bất cứ kế toán hay chủ doanh nghiệp nào cũng quan tâm. Dưới đây là một số khái niệm và thông tin cơ bản cần nắm rõ để giúp doanh nghiệp tính giá thành sản phẩm chính xác nhất.

1. Khái niệm giá thành sản phẩm

Giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ là chi phí sản xuất tính cho một khối lượng hoặc một đơn vị sản phẩm (công việc, lao vụ) do doanh nghiệp sản xuất đã hoàn thành trong điều kiện công suất bình thường.
Giá thành sản phẩm là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng đối với các đoanh nghiệp sản xuất cũng như đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Giá thành sản phẩm là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, phản ánh chất lượng hoạt động sản xuất và quản lý sản xuất, phản ánh kết quả sử dụng tài sản, vật tư, lao động, tiền vốn trong quá trình sản xuất, là căn cứ quan trọng để xác định giá bán và xác định hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất.

giá thành sản phẩm và phân loại giá thành sản phẩm2. Phân loại giá thành sản phẩm

Có nhiều loại giá thành khác nhau, tuỳ theo yêu cầu quản lý cũng như các tiêu thức phân loại khác nhau mà giá thành được chia thành các loại tương ứng.
  • Phân loại giá thành theo thời gian và cơ sở số liệu tính giá thành
Căn cứ vào cơ sở số liệu và thời điểm tính giá thành,giá thành sản phẩm được chia thành 3 loại:
– Giá thành kế hoạch: là giá thành sản phẩm được tính trên cơ sở chi phí sản xuất kế hoạch và sản lượng kế hoạch. Việc tính toán xác định giá thành kế hoạch được tiến hành trước khi quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm và do bộ phận kế hoạch thực hiện. Gíá thành kế hoạch là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp, là căn cứ để so sánh, phân tích đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hạ giá thành của doanh nghiệp.
– Giá thành định mức: là giá thành sản phẩm được tính trên cơ sở chi phí các định mức chi phí sản xuất hiện hành và chỉ tính cho một đơn vị sản phẩm. Việc tính giá thành định mức cũng được thực hiện trước khi tiến hành sản xuất, chế tạo sản phẩm. Giá thành định mức là công cụ quản lý định mức của doanh nghiệp, được xem là thước đo chính xác để đánh giá kết quả sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn, lao động trong sản xuất, giúp cho đánh giá đúng đắn các giải pháp kinh tế, kỹ thuật mà doanh nghiệp đã áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
– Giá thành thực tế: là giá thành sản phẩm được tính dựa trên cơ sở số liệu chi phí sản xuất thực tế đã phát sinh và tập hợp được trong kỳ và sản lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất ra trong kỳ. Giá thành thực tế của sản phẩm chỉ có thể tính toán được khi quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm đã hoàn thành. Giá thành thực tế là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp để xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Phân loại giá thành theo phạm vi tính toán :
Theo cách phân loại này, giá thành sản phẩm được chia thành 2 loại :
– Giá thành sản xuất (còn gọi là giá thành công xưởng): Giá thành sản xuất của sản phẩm bao gồm các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp; chi phí nhân công trực tiếp; chi phí sản xuất chung tính cho sản phẩm, công việc hay lao vụ đã hoàn thành, dịch vụ đã cung cấp. Giá thành sản xuất được sử dụng để ghi sổ kế toán thành phẩm đã nhập kho hoặc giao cho khách hàng và là căn cứ để tính toán giá vốn hàng bán, tính lợi nhuận gộp của hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ ở các doanh nghiệp sản xuất.
– Giá thành toàn bộ của sản phẩm tiêu thụ: Bao gồm giá thành sản xuất và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tính cho sản phẩm đã bán. Giá thành toàn bộ của sản phẩm tiêu thụ là căn cứ để tính toán, xác định mức lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.
form-news

3. Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất với giá thành sản phẩm

Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm là hai mặt biểu hiện của quá trình sản xuất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có bản chất tương tự, đều là hao phí về lao động mà doanh nghiệp đã bỏ ra cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm không phải là một mà có sự khác nhau về lượng, về thời gian và thể hiện qua các điểm sau:
– Chi phí sản xuất luôn gắn liền với từng thời kỳ nhất định đã phát sinh chi phí còn giá thành sản phẩm lại gắn liền với khối lượng sản phẩm, dịch vụ, công việc, lao vụ đã sản xuất hoàn thành.Trong giá thành sản phẩm chỉ bao gồm một phần chi phí thực tế đă phát sinh (chi phí trả trước) hoặc một phần chi phí sẽ phát sinh ở kỳ sau nhưng đã ghi nhận là chi phí của kỳ này (chi phí phải trả). Hơn nữa, theo quy định, một số chi phí không được tính vào giá thành mà tính vào chi phí của nghiệp vụ tài chính.
– Chi phí sản xuất trong kỳ không chỉ liên quan đến những sản phẩm đă hoàn thành mà còn liên quan đến cả sản phẩm đang còn dở dang cuối kỳ và sản phẩm hỏng.Giá thành sản phẩm không liên quan đến chi phí sản xuất của sản phẩm dở dang cuối kỳ và sản phẩm hỏng nhưng lại liên quan đến chi phí sản xuất của sản phẩm dở dang kỳ trước chuyển sang.
– Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ là căn cứ để tính giá thành sản phẩm, dịch vụ đã hoàn thành.
Giá thành toàn bộ = Giá thành sản xuất + Chi phí bán hàng + Chi phí QLDN

4. Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất và đối tượng tính giá thành sản phẩm

Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất:

Trong doanh nghiệp, chi phí sản xuất phát sinh gắn liền với nơi diễn ra hoạt động sản xuất và sản phẩm được sản xuất, kế toán cần xác định đúng đắn đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, để từ đó tổ chức thực hiện công tác tập hợp chi phí sản xuất, cung cấp số liệu cho việc tính giá thành sản phẩm.
Đối tượng kế toán tập hợp chi phí sản xuất là phạm vi, giới hạn mà chi phí sản xuất cần phải tập hợp nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát chi phí sản xuất và phục vụ công tác tính giá thành sản phẩm.
Thực chất của việc xác định đối tượng tập hợp CPSX là xác định nơi phát sinh chi phí và đối tượng chịu chi phí.
Xác định đối tượng tập hợp CPSX là khâu đầu tiên cần thiết của công tác kế toán CPSX. Xác định đúng đối tượng tập hợp CPSX thì mới có thể đáp ứng yêu cầu quản lý CPSX, tổ chức tốt công tác kế toán tập hợp CPSX từ khâu ghi chép ban đầu, mở sổ và ghi sổ kế toán, tổng hợp số liệu.
Căn cứ để xác định đối tượng kế toán tập hợp CPSX :
– Đặc điểm và công dụng của chi phí trong quá trình sản xuất.
– Đặc điểm cơ cấu tổ chức sản xuất của doanh nghiệp.
– Quy trình công nghệ sản xuất, chế tạo sản phẩm.
– Đặc điểm của sản phẩm (đặc tính kỹ thuật, đặc điểm sử dụng, đặc điểm thương phẩm…)
– Yêu cầu và trình độ quản lý sản xuất kinh doanh.
Tuỳ thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể mà đối tượng kế toán chi phí sản xuất trong các đoanh nghiệp có thể là:
– Từng loại sản phẩm, dịch vụ, chi tiết sản phẩm, nhóm sản phẩm, đơn đặt hàng.
– Từng phân xưởng, bộ phận, giai đoạn công nghệ sản xuất.
– Toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất, toàn doanh nghiệp.
giá thành sản phẩm và phân loại giá thành sản phẩmĐối tượng tính giá thành sản phẩm
Đối tượng tính giá thành là các loại sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng cần phải tính tổng giá thành và giá thành đơn vị.
Xác định đối tượng tính giá thành là công việc cần thiết đầu tiên để từ đó kế toán tổ chức các Bảng (Thẻ) tính giá thành và lựa chọn phương pháp tính giá thành thích hợp để tiến hành tính giá thành sản phẩm.
Để xác định được đối tượng tính giá thành đúng đắn, bộ phận kế toán giá thành cũng phải căn cứ vào đặc điểm tổ chức sản xuất và cơ cấu sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất chế tạo sản phẩm, đặc điểm sử dụng sản phẩm, nửa thành phẩm, các yêu cầu và trình độ quản lý, yêu cầu cung cấp thông tin cho việc ra quyết định trong doanh nghiệp, khả năng và trình độ quản lý, hạch toán, trình độ ứng dụng máy vi tính trong công tác kế toán của doanh nghiệp.
  • Xét về mặt tổ chức sản xuất:
+ Nếu tổ chức sản xuất đơn chiếc (như doanh nghiệp đóng tàu, công ty XDCB…) thì từng sản phẩm, từng công việc là đối tượng tính giá thành.
+ Nếu tổ chức sản xuất hàng loạt hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng thì đối tượng tính giá thành là từng loạt sản phẩm hoặc từng đơn đặt hàng.
+ Nếu tổ chức sản xuất nhiều loại sản phẩm, khối lượng sản xuất lớn (như dệt vải, sản xuất bánh kẹo…) thì mỗi loại sản phẩm là một đối tượng tính giá thành.
  • Xét về mặt quy trình công nghệ sản xuất:
+ Nếu quy trình công nghệ sản xuất giản đơn thì đối tượng tính giá thành là thành phẩm hoàn thành ở cuối quy trình sản xuất.
+ Nếu quy trình công nghệ sản xuất phức tạp kiểu liên tục thì đối tượng tính giá thành là thành phẩm hoàn thành hoặc có thể là nửa thành phẩm tự chế biến.
+ Nếu quy trình công nghệ sản xuất phức tạp kiểu song song thì đối tượng tính giá thành có thể là bộ phận, chi tiết sản phẩm hoặc sản phẩm lắp ráp hoàn chỉnh.

5. Mối quan hệ giữa đối tượng tập hợp CPSX và đối tượng tính giá thành sản phẩm.

Việc xác định đúng đắn đối tượng tập hợp CPSX để cung cấp số liệu cho việc tính giá thành theo từng đối tượng tính giá thành trong doanh nghiệp, ngược lại xác định đúng đắn đối tượng tính giá thành là cơ sở để kế toán doanh nghiệp xác định đối tượng tập hợp CPSX cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu của công tác tính giá thành.
Trong thực tế, một đối tượng tập hợp CPSX có thể trùng với một đối tượng tính giá thành hoặc một đối tượng tập hợp CPSX lại có nhiều đối tượng tính giá thành hoặc ngược lại có nhiều đối tượng tập hợp CPSX nhưng chỉ có một đối tượng tính giá thành.
Mối quan hệ giữa đối tượng kế toán tập hợp CPSX và đối tượng tính giá thành ở một doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng quyết định trong việc lựa chọn phương pháp tính giá thành và kỹ thuật tính giá thành trong doanh nghiệp.

Phần mềm kế toán MISA SME.NET là phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà quản trị và kế toán. Phần mềm kế toán MISA SME.NET bao gồm 16 phân hệ phù hợp đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính kế toán theo đúng Thông tư 133/2016/TT-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC. Đăng ký dùng thử phần mềm tại đây:
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không