Kiến thức Tài chính kế toán Hướng dẫn cách hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành

Hướng dẫn cách hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành

15840
Hướng dẫn cách hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành
Hướng dẫn cách hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành
Chi phí thuế TNDN hiện hành thể hiện giá trị của số thuế phải trả trong năm hiện tại. Đây là loại thuế mà bất cứ doanh nghiệp nào đang hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải chú ý. Dưới đây là một số hướng dẫn hạch toán chi phí thuế TNDN mới nhất, kế toán các doanh nghiệp cần lưu ý.
1. Khái niệm và nguyên tắc kế toán chi phí thuế TNDN hiện hành

1.1. Khái niệm

Chi phí thuế TNDN hiện hành là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế thu nhập hiện hành mà doanh nghiệp phải chịu. Theo chế độ Kế toán và quyết toán thuế TNDN, công thức xác định chi phí thuế TNDN hiện hành như sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Lợi nhuận kế toán trước thuế + Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế – Điều chỉnh giảm thu nhập chịu thuế) x Thuế suất thuế TNDN hiện hành

Trong đó:

  • Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế: Gồm các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật hiện hành
  • Điều chỉnh giảm thu nhập chịu thuế: Gồm các khoản thu nhập không chịu thuế (lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm tài chính của tiền và tương đương tiền…); thu nhập miễn thuế (cổ tức được chia đã được tính thuế TNDN); các khoản chuyển lỗ trong vòng 5 năm trở lại…

1.2. Phân biệt thuế TNDN hiện hành và thuế TNDN hoãn lại

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là khoản chi phí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Việc phân biệt thuế TNDN hiện hành và thuế TNDN hoãn lại giúp doanh nghiệp hạch toán chính xác và tuân thủ pháp luật.

Thuế TNDN hiện hành Thuế TNDN hoãn lại
Khái niệm Là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ kế toán, được xác định dựa trên thu nhập chịu thuế và thuế suất hiện hành. Là khoản chênh lệch thuế phải nộp hoặc được hoàn lại trong tương lai do sự khác biệt tạm thời giữa giá trị ghi sổ kế toán và giá trị tính thuế của các khoản mục.
Cơ sở tính toán Dựa trên thu nhập chịu thuế thực tế trong kỳ. Dựa trên chênh lệch tạm thời giữa giá trị kế toán và giá trị tính thuế.
Tài khoản hạch toán Tài khoản 8211: Chi phí thuế TNDN hiện hành. – Tài khoản 8212: Chi phí thuế TNDN hoãn lại

– Tài khoản 347: Thuế TNDN hoãn lại phải trả

– Tài khoản 243: Tài sản thuế TNDN hoãn lại.

Thời điểm ghi nhận Ghi nhận ngay trong kỳ kế toán hiện tại khi xác định nghĩa vụ thuế. Ghi nhận khi phát sinh các khoản chênh lệch tạm thời, nhưng ảnh hưởng trong tương lai.
Tác động đến dòng tiền Ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền ra trong kỳ (do thực tế phải nộp thuế). Không ảnh hưởng ngay đến dòng tiền trong kỳ mà liên quan đến các khoản thanh toán hoặc hoàn thuế trong tương lai.

1.3. Vai trò của thuế TNDN hiện hành trong kế toán doanh nghiệp

Thuế TNDN hiện hành có vai trò tương đối quan trọng đối với doanh nghiệp, cụ thể:

  • Ghi nhận chi phí thực tế, đảm bảo tính chính xác trong báo cáo tài chính.
  • Tuân thủ pháp luật, tránh rủi ro xử phạt từ cơ quan thuế.
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận sau thuế và khả năng tái đầu tư.
  • Minh bạch thông tin tài chính, nâng cao uy tín doanh nghiệp.
  • Hỗ trợ lập kế hoạch dòng tiền và quản lý tài chính hiệu quả.
Thuế TNDN hiện hành được xác định dựa trên thu nhập chịu thuế và thuế suất hiện hành
Thuế TNDN hiện hành được xác định dựa trên thu nhập chịu thuế và thuế suất hiện hành

2. Cách hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành

2.1. Tài khoản sử dụng và kết cấu tài khoản

Để hạch toán thuế TNDN hiện hành, kế toán sử dụng tài khoản 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành.

Kết cấu của tài khoản 8211:

Bên Nợ:

– Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm;

– Thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại.

Bên Có:

– Số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận trong năm;

– Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại;

– Kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành vào bên Nợ tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.

Tài khoản 8211 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” không có số dư cuối kỳ.

2.2. Hạch toán một số nghiệp vụ cơ bản

Theo quy định tại Điều 95, thông tư 200/2014/TT-BTC, phương pháp kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được quy định như sau:

– Hàng quý, khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp vào ngân sách Nhà nước vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:

Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

     Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

     Có TK 111, 112,…

– Cuối năm tài chính, căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp theo tờ khai quyết toán thuế hoặc số thuế do cơ quan thuế thông báo phải nộp:

+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán phản ánh bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành còn phải nộp, ghi:

Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

     Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

     Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

– Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.

+ Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại, ghi:

Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

     Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

+ Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

     Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

– Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:

+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

     Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

     Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.

3. Một số sai sót thường gặp khi hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành

Hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành là một phần quan trọng trong công tác kế toán, nhưng không phải lúc nào cũng được thực hiện chính xác. Những sai sót trong quá trình này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Một sai sót phổ biến là việc ghi nhận thiếu hoặc sai chi phí thuế TNDN. Điều này thường xuất phát từ việc tính toán không chính xác thu nhập chịu thuế, bỏ sót các khoản điều chỉnh tăng giảm hoặc áp dụng sai thuế suất. Sai sót này có thể dẫn đến việc báo cáo không đúng nghĩa vụ thuế thực tế, làm tăng nguy cơ bị xử phạt hoặc truy thu thuế.

Ngoài ra, việc không cập nhật kịp thời các quy định pháp luật liên quan đến thuế TNDN cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Hệ thống pháp luật thuế thường xuyên thay đổi, bao gồm các mức thuế suất, các khoản chi phí được trừ và thủ tục kê khai. Kế toán viên thiếu thông tin hoặc không tuân thủ kịp thời sẽ dễ dẫn đến những sai sót trong hạch toán, gây thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng khác là việc kiểm tra và đối chiếu chưa được thực hiện kỹ lưỡng giữa chi phí thuế TNDN và báo cáo tài chính. Nếu không rà soát cẩn thận, các sai lệch trong số liệu hạch toán sẽ khó phát hiện kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính và gây khó khăn khi làm việc với cơ quan thuế.

Cuối cùng, tác động của chi phí thuế TNDN lên kết quả kinh doanh là một vấn đề cần được chú ý. Sai sót trong việc hạch toán chi phí thuế TNDN có thể làm sai lệch lợi nhuận sau thuế, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch tài chính và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư và đối tác.

ĐỌC THÊM:
form-news
Phần mềm kế toán MISA SME.NET là phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà quản trị và kế toán. Phần mềm kế toán MISA SME.NET bao gồm 16 phân hệ phù hợp đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính kế toán theo đúng Thông tư 133/2016/TT-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC. Đăng ký dùng thử phần mềm tại đây:

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không