Kiến thức Tài chính kế toán Đặc điểm kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh...

Đặc điểm kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh thương mại

2705
Các doanh nghiệp thương mại hoạt động trên lĩnh vực lưu thông phân phối, thực hiện chức năng tổ chức lưu thông hàng hóa thông qua các hoạt động mua, bán và dự trữ hàng hóa. Trong doanh nghiệp thương mại, lưu chuyển hàng hóa là hoạt động kinh doanh chính, chi phối tất cả các chỉ tiêu kinh tế, tài chính khác của doanh nghiệp. Tổ chức tốt kế toán nghiệp vụ lưu chuyển hàng hóa là một biện pháp quan trọng để quản lý có hiệu quả quá trình kinh doanh thương mại. Dưới đây là những đặc điểm kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh thương mại.
 

1.1. Đặc điểm kinh doanh thương mại

 
Ở các doanh nghiệp thương mại hàng hóa là tài sản chủ yếu, vốn hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn. Trong công tác quản lý, doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn cho hàng hóa cả về số lượng và chất lượng, phải tăng nhanh vòng quay của vốn hàng hóa. Việc đánh giá hàng hóa trong kế toán cũng tương tự như đánh giá vật tư. Tuy nhiên do đặc thù của kinh doanh thương mại nên việc tính và hạch toán cụ thể trị giá vốn của hàng hóa nhập kho, hàng hóa xuất kho có những nét khác biệt với vật tư.

Xét theo phạm vi của quá trình kinh doanh hàng hóa thì hoạt động mua, bán hàng hóa của các doanh nghiệp thương mại được chia thành hai loại: hoạt động mua, bán hàng hóa trong nước (còn gọi là kinh doanh nội thương) và hoạt động mua, bán hàng hóa với nước ngoài (còn gọi là kinh doanh ngoại thương hay hoạt động xuất- nhập khẩu). Công tác quản lý và hạch toán hoạt động mua, bán hàng hóa ở trong nước, hoạt động xuất- nhập khẩu có nhiều điểm khác nhau. Dưới đây là những nội dung chủ yếu về kế toán hoạt động mua, bán hàng hóa ở các doanh nghiệp thương mại:

 
  • Mua hàng là một quá trình được bắt đầu từ khi ký hợp đồng mua hàng và kết thúc khi nhận đủ hàng, thanh toán đủ tiền cho người bán. Mua hàng là khâu đầu tiên của quá trình lưu chuyển hàng hóa, nó ảnh hưởng trực tiếp đến khâu dự trữ và khâu bán hàng. Hàng hóa mua vào cần phải đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và tiến độ thời gian.
  • Những nhiệm vụ chủ yếu của kế toán quá trình mua hàng là : Ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời tình hình thực hiện kế hoạch mua hàng; Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch mua hàng theo từng nguồn mua, từng người cung cấp, từng hợp đồng mua hàng; Thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho người bán, cung cấp các thông tin giúp nhà quản trị doanh nghiệp ra được quyết định đúng nhằm quản lý tốt quá trình mua hàng .
 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
 

1.2. Kế toán quá trình mua hàng hoá

 

1.2.1.Các phương thức mua hàng, thời điểm ghi nhận hàng mua và cách tính trị giá vốn của hàng hóa mua.

 
a. Các phương thức mua hàng và thời điểm ghi nhận hàng mua ở trong nước 
Các doanh nghiệp thương mại mua hàng trong nước theo hai phương thức: Mua hàng trực tiếp và mua hàng theo phương thức chuyển hàng.
– Phương thức mua hàng trực tiếp: Căn cứ vào hợp đồng đã ký, doanh nghiệp thương mại cử cán bộ nghiệp vụ trực tiếp đến bên bán để nhận hàng hoặc trực tiếp thu mua hàng hóa tại các cơ sở sản xuất. Người đi nhận hàng có trách nhiệm đưa hàng mua về nhập kho hoặc giao bán thẳng. Theo phương thức này, thời điểm ghi nhận hàng mua là khi bên mua đã hoàn thành thủ tục giao nhận hàng hóa, đã thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán tiền với người bán.
– Mua hàng theo phương thức chuyển hàng: Bên bán có trách nhiệm chuyển hàng đến cho bên mua theo thời gian và địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng mua hàng. Ở phương thức này thời điểm ghi nhận hàng mua là thời điểm bên mua đã nhận được hàng hoặc hoá đơn của bên bán chuyển đến và chấp nhận thanh toán hoặc đã thanh toán về số hàng hoặc hoá đơn đó.
 
b. Các phương thức nhập khẩu hàng hóa và thời điểm ghi nhận hàng hóa nhập khẩu
Phạm vi hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
– Hàng mua của nước ngoài trên cơ sở các hợp đồng nhập khẩu mà doanh nghiệp xuất – nhập khẩu nước ta đã ký với nước ngoài.
– Hàng hóa nước ngoài đưa vào tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ta, sau đó được doanh nghiệp nước ta mua lại và thanh toán bằng ngoại tệ.
– Hàng mua của nước ngoài để xuất khẩu cho nước thứ ba theo hợp đồng ký kết giữa các bên.
– Hàng mua từ các khu chế xuất thanh toán bằng ngoại tệ.
 
Có hai phương thức nhập khẩu hàng hóa là phương thức nhập khẩu trực tiếp và phương thức nhập khẩu uỷ thác. Theo phương thức nhập khẩu trực tiếp đơn vị nhập khẩu trực tiếp đàm phán, ký hợp đồng, trực tiếp giao nhận và thanh toán tiền hàng với người bán nước ngoài. Còn nhập khẩu uỷ thác là việc nhập khẩu thông qua một đơn vị khác. Ở đây xuất hiện bên giao uỷ thác và bên nhận uỷ thác. Trong đó bên giao uỷ thác giữ vai trò là người sử dụng dịch vụ, bên nhận uỷ thác là người cung cấp dịch vụ và được hưởng hoa hồng theo hợp đồng đã ký.
 
Thời điểm ghi nhận hàng nhập khẩu là thời điểm đơn vị nhập khẩu đã nhận được quyền sở hữu về hàng nhập và đã thanh toán tiền hoặc chấp nhận thanh toán tiền với người bán. Tuy nhiên, thời điểm này còn phụ thuộc vào điều kiện giao hàng và điều kiện vận chuyển:
– Nếu hàng nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển thì hàng nhập khẩu được tính từ ngày hải quan cảng ký vào tờ khai hàng hóa nhập khẩu.
– Nếu hàng nhập khẩu vận chuyển bằng đường hàng không thì thời điểm tính hàng nhập khẩu từ ngày hàng hóa được chuyển đến sân bay đầu tiên của nước ta có xác nhận của hải quan sân bay.
– Nếu vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ thì thời điểm ghi nhận hàng nhập khẩu là thời điểm hàng được chuyển đến cửa khẩu có xác nhận của hải quan cửa khẩu.
 
c. Tính trị giá vốn của hàng mua.
Trong các doanh nghiệp thương mại, trị giá vốn của hàng mua bao gồm: giá mua thuần của hàng hóa và chi phí thu mua hàng hóa. Trong đó:
– Giá mua thuần của hàng hóa gồm: giá mua ghi trên hoá đơn cộng (+) các khoản thuế ở khâu mua không được hoàn lại trừ (-)các khoản giảm giá hàng mua được hưởng (Chiết khấu thương mại, giảm giỏ hàng mua, trả lại hàng đó mua)
– Chi phí thu mua hàng hóa gồm: các chi phí phục vụ cho quá trình mua hàng như chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí bảo hiểm, tiền lưu kho, hao hụt trong định mức, công tác phí của bộ phận thu mua….
Do đặc thù của kinh doanh thương mại, trong kế toán giá mua thuần của hàng hóa được tính và hạch toán riêng, còn chi phí thu mua được tổng hợp chung, không phân bổ cho từng mặt hàng, đến cuối kỳ mới phân bổ cho hàng còn lại và hàng bán ra.
 

1.2.2. Phương pháp kế toán quá trình mua hàng hóa.

 
* Chứng từ mua hàng trong nước gồm:
– Hoá đơn GTGT
– Hoá đơn bán hàng
– Bảng kê phiếu mua hàng (do bên mua lập)
– Phiếu nhập kho, biên bản kiểm nhận hàng hóa.
– Các chứng từ thanh toán: Phiếu chi, giấy thanh toán tạm ứng…
* Chứng từ nhập khẩu hàng hóa bao gồm:
– Hoá đơn thương mại
– Vận tải đơn
– Chứng từ bảo hiểm.
– Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
– Tờ khai hải quan.
– Biên lai thu thuế.
– Phiếu nhập kho.
– Các chứng từ thanh toán khác….
* Kế toán nghiệp vụ mua hàng sử dụng các tài khoản sau:
TK 156 – Hàng hóa . Kết cấu cơ bản của tài khoản này:
Bên nợ:
– Trị giá vốn hàng hoá tăng trong kỳ
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa tồn kho cuối kỳ.
Bên Có :
– Trị giá vốn hàng hoá giảm trong kỳ.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hoá tồn kho đầu kỳ.
Số dư bên Nợ: Trị giá vốn hàng hóa tồn kho cuối kỳ.
TK 156 – Hàng hóa có 3 tài khoản cấp 2:
+ TK 1561 – Giá mua hàng hoá
+ TK 1562 – Chi phí thu mua hàng hoá
+ TK 1567 – Hàng hoá bất động sản 
TK 151 – Hàng mua đang đi trên đường. Kết cấu cơ bản của tài khoản 151:
Bên Nợ:
– Trị giá vốn hàng mua trong kỳ nhưng cuối kỳ còn đang đi trên đường.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng mua đang đi đường đến cuối kỳ.
Bên Có:
– Trị giá hàng mua đang đi đường về nhập kho.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng mua đang đi trên đường đầu kỳ.
Số dư bên Nợ: Phản ánh trị giá vốn hàng mua đang đi trên đường cuối kỳ.
Tài khoản 611- Mua hàng. Tài khoản này được áp dụng ở doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ. Kết cấu cơ bản của tài khoản 611 (6112 – Mua hàng hoá)
Bên Nợ:
– Kết chuyển trị giá hàng hóa tồn kho, đang gửi bán, đang đi đường đầu kỳ.
– Ghi trị giá vốn hàng hóa mua và nhập khác trong kỳ.
Bên Có:
– Ghi số tiền được chiết khấu thương mại, giảm giá, trả lại hàng mua.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hoá tồn kho, đang gửi bán, mua đang đi trên đường cuối kỳ.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa xuất bán trong kỳ.
Tài khoản này không có số dư.
Tài khoản 611 có 2 tài khoản cấp 2.
+ Tài khoản 6111 – Mua nguyên liệu, vật liệu.
+ Tài khoản 6112 – Mua hàng hóa
Ngoài ra kế toán quá trình mua hàng hoá còn sử dụng các tài khoản kế toán có liên quan: TK 133, TK 331, TK111, TK112, TK141….
 
* Trình tự kế toán quá trình mua hàng hoá:
a. Trình tự kế toán quá trình mua hàng hoá trong nước ở doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên:
+ Trường hợp hàng và hoá đơn cùng về: Căn cứ vào hoá đơn của người bán và phiếu nhập kho hàng mua hoặc hoá đơn bán hàng giao thẳng, kế toán ghi:
Nợ TK 156 – Hàng hoá(1561) (Nếu nhập kho)
Nợ TK 157 – Hàng đang gửi bán (Nếu gửi bán thẳng)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Nếu giao bán thẳng trực tiếp)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)
Có TK 331. 111. 112. 141,…. (Tổng giá thanh toán)
+ Trường hợp hoá đơn về, hàng chưa về: Kế toán lưu hoá đơn vào tập hồ sơ riêng, trong kỳ hàng về thì ghi sổ giống như trường hợp hàng và hoá đơn cùng về. Nếu cuối kỳ hàng vẫn chưa về nhưng hoá đơn đã trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền như vậy phát sinh hàng mua đang đi trên đường. Căn cứ vào hoá đơn của người bán, kế toán ghi:
Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi trên đường
Nợ TK 133 (Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ).
Có TK 331, 111, 112….
Sang những kỳ sau hàng về nhập kho hoặc giao bán thẳng kế toán ghi:
Nợ TK 156 – Hàng hoá ( 1561) (Nếu nhập kho)
Nợ TK 157 – Hàng đang gửi bán (Nếu gửi bán thẳng)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Nếu giao bán thẳng trực tiếp)
Có TK 151 – Hàng mua đang đi trên đường .
+ Trường hợp hàng về chưa có hoá đơn, đối chiếu với hợp đồng mua hàng để nhập kho hoặc giao bán theo giá tạm tính, kế toán ghi:
Nợ TK 156 – Hàng hoá (1561)
Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán 
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán .
Có TK 331 – Phải trả cho người bán .
Khi hoá đơn về, kế toán phản ánh thuế GTGT đầu vào:
Nợ TK 156 ( 1561 ), 157, 632 (Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ)
Nợ 133 (Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)
Có TK 331- Phải trả cho người bán
Và tiến hành điều chỉnh giá tạm tính theo giá ghi trên hoá đơn bằng các phương pháp cải chính, ghi bổ sung hoặc ghi số âm.
+ Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa tồn kho, hàng mua đang đi đường đầu kỳ :
Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)
Có TK 156 – Hàng hoá .
Có TK 151 – hàng mua đanbg đi trên đường.
+ Phản ánh trị giá vốn hàng mua vào trong kỳ:
Nợ TK 611 – Mua hàng ( 6112 )
Nợ TK 133 (Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)
Có TK 331, 111, 112…
+ Tính và phản ánh trị giá vốn hàng hóa tồn kho, hàng mua đang đi trên đường cuối kỳ.
Nợ TK 156 – Hàng hoá
Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi trên đường.
Có TK 611 – Mua hàng (6112)
+ Tính và phản ánh trị giá vốn hàng hoá xuất bán trong kỳ:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán .
Có TK 611 – Mua hàng (6112)
 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
 
c. Kế toán nghiệp vụ nhập khẩu trực tiếp
Khi nhập khẩu trực tiếp, kế toán phản ánh các nghiệp vụ
– Chuyển tiền ký quỹ ở ngân hàng kế toán ghi:
Nợ TK 144 – Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn
Nợ TK 635 (Lỗ về tỷ giá)
Có TK 111 (1112 ), 112 (1122)
 TK 515 (Lỗ về tỷ giá)
Đồng thời ghi có TK 007 – Ngoại tệ các loại
– Trong kỳ nhận được hàng hóa và các chứng từ mua hàng nhập khẩu, kế toán ghi các bút toán sau:
+ Ghi trị giá mua thực tế của hàng hoá nhập khẩu đã nhập kho, gửi bán thẳng:
Nợ TK 156 (1561), TK 157, TK 632 (Tỷ giá thực tế)
Nợ TK 635 (Lỗ về tỷ giá)
Có TK 144 – Cầm cố, ký quĩ, ký cược ngắn hạn
 TK 111(1112), 112 (1122) (Tỷ giá thực tế xuất quỹ)
Có TK 331 (Tỷ giá thực tế khi nhận nợ)
Có TK 515 (Lãi về tỷ giá)
Đồng thời ghi có TK 007 
+ Ghi thuế tiêu thụ đặc biệt ( nếu có ), thuế nhập khẩu phải nộp:
Nợ TK 156 (1561), 157, 632
Có TK 333 (3332,3333)
+ Ghi thuế GTGT của hàng nhập khẩu :
Nếu doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và hàng nhập khẩu dùng vào hoạt động kinh doanh chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ :
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3332)
Nếu doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc hàng nhập khẩu dùng cho hoạt động kinh doanh không chịu thuế GTGT thì thuế GTGT hàng nhập khẩu được tính vào trị giá vốn của hàng nhập khẩu:
Nợ TK 156 (1561), 157, 632
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (33312)
+ Khi nộp thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu ghi:
Nợ TK 333 -Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (33312, 3332, 3333)
Có TK 111, 112
– Trong kỳ nhận được bộ hoá đơn nhập khẩu nhưng cuối kỳ hàng nhập khẩu chưa về:
+ Ghi trị giá mua của hàng đang đi trên đường :
Nợ TK 151- Hàng mua đang đi trên đường
Có TK 331 (Chi tiết người bán nước ngoài)
+ Ghi thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu phải nộp:
Nợ TK 151- Hàng mua đang đi trên đường
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3332, 3333)
+ Thuế GTGT hàng nhập khẩu:
Nếu được khấu trừ ghi:
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (33312)
Nếu không được khấu trừ ghi:
Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi trên đường
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (33312)
+ Khi hàng nhập khẩu về nhập kho hoặc giao bán thẳng ghi:
Nợ TK 156 (1561), 157, 632
Có TK 151- Hàng mua đang đi trên đường
 
d. Kế toán nghiệp vụ nhập khẩu uỷ thác.
Nghiệp vụ nhập khẩu uỷ thác liên quan tới hai chủ thể là bên giao uỷ thác và bên nhận uỷ thác. Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các chủ thể phải được thể hiện cụ thể trong hợp đồng uỷ thác nhập khẩu. Theo quy định hiện hành bên nhận uỷ thác trực tiếp tiến hành nghiệp vụ nhập khẩu, thực hiện nghĩa vụ tài chính với người bán, với Nhà nước và được hưởng hoa hồng nhập khẩu từ bên giao uỷ thác. Bên giao uỷ thác nhận hàng và thanh toán tiền mua hàng, thuế, tiền hoa hồng uỷ thác, các khoản mà bên nhận uỷ thác đã chi hộ.
 
* Kế toán tại đơn vị nhận uỷ thác :
– Khi nhận tiền của bên giao uỷ thác ghi:
Nợ TK 111(1112), 112(1122) (Tỷ giá giao dịch thực tế)
Có TK 131- Phải thu của khách hàng
Đồng thời ghi nợ TK 007 – Ngoại tệ các loại .
– Khi chuyển tiền đi ký quỹ để mở L/C ghi:
Nợ TK 144 – Cầm cố, ký quỹ, ký cược:
Nợ TK 635 ( Lỗ về tỷ giá)
Có TK 111(1112), 112(1122)
Cú TK 515 (Lỗ về tỷ giá)
Đồng thời ghi có TK 007 – Ngoại tệ các loại
– Ghi trị giá mua của hàng hóa nhập khẩu uỷ thác:
Nợ TK 151 (Số hàng còn đang đi đường)
Nợ TK 156 (1561) (Số hàng đã nhập kho)
Có TK 331( Số tiền phải trả cho người bán nước ngoài.)
– Khi thanh toán cho người bán, kế toán ghi
Nợ TK 331 (Tỷ giá thực tế khi nhận nợ )
Nợ TK 635 ( Lỗ về tỷ giá )
Có TK 144 – Cầm cố, ký quỹ, ký cược ngắn hạn
Có TK 111(2), 112(2) ( Tỷ giá thực tế xuất quỹ)
Có TK 515 ( Lỗ về tỷ giá)
Đồng thời ghi có TK 007 – Ngoại tệ các loại
– Ghi thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có):
Nợ TK 151, 156…
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3331, 3332, 3333)
– Khi nộp các loại thuế ghi trên;
Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3331, 3332, 3333)
Có TK 111, 112
– Khi giao hàng cho bên uỷ thác (gồm cả các khoản thuế) ghi :
Nợ TK 131 (chi tiết cho từng đối tượng giao uỷ thác)
Có TK 151, 156 (1561)
– Trường hợp hàng nhận về khụng nhập kho mà chuyển thẳng cho đơn vị giao uỷ thác, ghi:
Nợ TK 131 (Chi tiết đơn vị giao ủy thác)
Có TK 331 (Chi tiết người bán nước ngoài )
Có TK 333 ( Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu)
– Các chi phí khác liên quan đến hàng nhập khẩu như: Vận chuyển bốc dỡ, giám định hải quan … kế toán ghi:
Nợ TK 131 (Nếu bên uỷ thác chịu)
Nợ TK 641 (Nếu bên nhận uỷ thác chịu)
Có TK liên quan
– Ghi tiền hoa hồng nhận uỷ thác được hưởng:
Nợ TK 111, 112, 131, …
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3331)
* Kế toán tại đơn vị giao uỷ thác:
– Khi chuyển tiền cho đơn vị nhận uỷ thác ghi:
Nợ TK 331( Chi tiết đơn vị nhận uỷ thác )
Nợ TK 635 (Lỗ về tỷ giá)
Có TK 111(1112), 112(1122) (Tỷ giá thực tế xuất quỹ)
Có TK 515 (Lãi về tỷ giá)
Đồng thời ghi có TK 007 – Ngoại tệ các loại.
– Khi nhận hàng và hoá đơn GTGT từ bên nhận uỷ thác:
+ Ghi giá mua của hàng nhập khẩu uỷ thác:
Nợ TK 151, 156 (1), 157…
Có TK 331 (Chi tiết người nhận uỷ thác)
+ Ghi thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)
Nợ TK 151, 156 (1561), 157, 632
Nợ TK 133 ( Nếu thuế GTGT được khấu trừ)
Có TK 331- Phải trả cho người bán .
– Ghi các khoản bên nhận uỷ thác chi hộ, tiền hoa hồng uỷ thác dành cho bên nhận uỷ thác:
Nợ TK 156 (1562)
Nợ TK 133 – Thuế GTGGT được kháu trừ (nếu có)
Có TK 331- Phải trả cho người bán
– Thanh toán tiền còn phải trả cho bên nhận uỷ thác ghi:
Nợ TK 331- Phải trả cho người bán
Có TK 111, 112 …
* Kế toán quá trình mua hàng hoá cần lưu ý một số điểm sau:
– Các chi phí thu mua hàng hoá được hạch toán ở TK 156 ( 1562 ) ; TK 611(6112), đến cuối kỳ mới phân bổ cho hàng hóa còn lại và hàng hóa bán ra:
– Khi chi phí thu mua hàng hóa phát sinh, kế toán ghi:
Nợ TK 156 (1562) hoặc TK 611 (6112)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK liên quan
– Trị giá hàng mua bị thiếu phát hiện khi kiểm nhận ghi:
Nợ TK 138 (1381) (Số chờ xử lý)
Nợ TK 156 (1562) (Số thiếu trong định mức)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 331, 111, 112 (Tổng giá thanh toán)
– Trị giá hàng mua phát hiện thừa khi kiểm nhận:
+ Nếu nhập kho số hàng thừa ghi:
Nợ TK 156 (1561) hoặc Nợ TK 611 (6112)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381)
+ Nếu không nhập kho mà báo lại cho bên bán biết. Trong thời gian bảo quản hộ, ghi Nợ TK 002
– Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công. Khi trả lại hàng cho người bán ghi Có TK 002
– Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công.
– Khi mua hàng được hưởng chiết khấu thương mại, giảm giá hàng mua, hàng mua bị trả lại hạch toán tương tự như khi mua vật tư.

 

1.3. Kế toán quá trình bán hàng hóa

 
Bán hàng là quá trình bên bán chuyển giao quyền sở hữu về hàng bán cho bên mua để từ đó thu được tiền hoặc được quyền thu tiền ở bên mua. Trong doanh nghiệp thương mại bán hàng là khâu cuối cùng, khâu quan trọng nhất của quá trình kinh doanh. Nhiệm vụ của kế toán bán hàng là : Tính toán, phản ánh đúng đắn, kịp thời doanh thu, trị giá vốn của hàng bán, xác định kết quả bán hàng; Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch bán hàng, kế hoạch lợi nhuận; Kiểm tra tình hình quản lý tiền thu về bán hàng, tình hình chấp hành kỷ luật thanh toán và việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước.
 

1.3.1. Các phương thức bán hàng, thời điểm ghi nhận hàng bán và cách tính trị giá vốn hàng hoá xuất bán.

 
a. Các phương thức bán hàng và thời điểm ghi nhận hàng bán trong nước.
Hàng bán trong nước được thực hiện qua hai khâu: Bán buôn và bán lẻ.
* Bán buôn gồm hai phương thức là bán buôn qua kho và bán buôn vận chuyển thẳng.
– Bán buôn qua kho: Là hàng được giao bán từ kho của các xí nghiệp bán buôn, nó được thực hiện dưới hai hình thức: Giao hàng trực tiếp tại kho và chuyển hàng cho bên mua.
+ Theo hình thức giao hàng trực tiếp tại kho bên bán xuất hàng từ kho và giao trực tiếp cho bên mua. Hàng được ghi nhận là bán khi bên mua đã nhận hàng và ký xác nhận trên hoá đơn bán hàng.
+ Theo hình thức chuyển hàng thì bên bán xuất hàng từ kho để chuyển đến cho bên mua theo thời gian và địa điểm đã ghi trong hợp đồng. Hàng được coi là bán khi bên mua đã nhận được hàng và đã trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền về số hàng đã nhận.
– Bán buôn vận chuyển thẳng: Là hàng được giao bán ngay từ khâu mua không qua kho của xí nghiệp bán buôn. Phương thức bán buôn này cũng được thực hiện dưới hai hình thức, bán buôn vận chuyển thẳng trực tiếp và bán buôn vận chuyển thẳng theo hình thức chuyển hàng.
+ Bán buôn vận chuyển thẳng trực tiếp (còn gọi là giao hàng tay ba): Doanh nghiệp thương mại nhận hàng ở bên bán và giao trực tiếp cho khách hàng của mình. Khi bên mua nhận đủ hàng và ký nhận trên hoá đơn bán hàng thì hàng được coi là bán.
+ Bán buôn vận chuyển thẳng theo hình thức chuyển hàng. Doanh nghiệp thương mại nhận hàng ở bên bán và chuyển số hàng đó cho khách hàng của mình. Khi nào hàng đến tay khách hàng được họ kiểm nhận và trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền thì hàng đó được coi là bán.
* Bán lẻ hàng hóa là bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Qua khâu bán lẻ hàng hóa vĩnh viễn rời khỏi lĩnh vực lưu thông, giá trị của nó được thực hiện đầy đủ.
Các phương thức bán hàng ở khâu bán lẻ:
– Bán hàng thu tiền trực tiếp: Nhân viên bán hàng trực tiếp thu tiền và giao hàng cho khách. Việc thừa, thiếu hàng hóa ở quầy và tiền thu về bán hàng do nhân viên bán hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm.
– Bán hàng thu tiền tập trung: Ở quầy có nhân viên thu ngân chuyên làm nhiệm vụ thu tiền và viết hoá đơn. Căn cứ vào hoá đơn đã thu tiền nhân viên bán hàng giao hàng cho khách. Ở đây, thừa thiếu tiền bán hàng thuộc trách nhiệm của nhân viên thu ngân, thừa thiếu hàng hóa ở quầy thuộc trách nhiệm của nhân viên bán hàng.
 
b. Các phương thức xuất khẩu hàng hóa, thời điểm ghi nhận hàng xuất khẩu.
* Các phương thức xuất khẩu hàng hoá:
Các doanh nghiệp thương mại xuất khẩu hàng hóa theo hai phương thức: Xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu uỷ thác.
– Xuất khẩu trực tiếp: Đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng với nước ngoài, trực tiếp giao hàng và thanh toán tiền hàng với người mua.
– Xuất khẩu uỷ thác: Đơn vị tham gia xuất khẩu không trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài mà thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa của mình thông qua một đơn vị xuất nhập khẩu khác.
* Phạm vi hàng hóa được coi là xuất khẩu gồm:
– Hàng bán cho thương nhân nước ngoài theo hợp đồng đã ký.
– Hàng hóa gửi đi triển lãm ở nước ngoài sau đó bán thu ngoại tệ.
– Hàng bán cho khách nước ngoài, cho Việt Kiều thu ngoại tệ.
– Hàng viện trợ cho nước ngoài thông qua thông các hiệp định, nghị định thư do Nhà nước ký kết với nước ngoài nhưng được thực hiện qua doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
– Hàng hóa chuyển bán cho các khu chế xuất.
– Các dịch vụ sửa chữa, bảo hiểm tàu biển, máy bay cho nước ngoài thanh toán bằng ngoại tệ.
* Thời điểm ghi nhận hàng xuất khẩu.
Theo quy định hiện hành, hàng hóa được ghi nhận là xuất khẩu khi hàng hóa đã hoàn thành các thủ tục hải quan, được sắp xếp lên phương tiện vận tải và rời khỏi hải phận, cửa khẩu hoặc sân bay cuối cùng của nước ta. Tuy nhiên, tuỳ theo phương thức giao nhận hàng hóa, thời điểm tính hàng xuất khẩu như sau:
– Nếu hàng vận chuyển bằng đường biển thì thời điểm xuất khẩu tính từ ngày thuyền trưởng kí vào vận đơn , hải quan cảng biển đã xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan
– Nếu hàng vận chuyển bằng đường sắt , đường bộ thì thời điểm xuất khẩu tính từ ngày hàng được giao tại ga , cửa khẩu theo xác nhận của hải quan cửa khẩu.
– Nếu hàng được vận chuyển bằng đường hàng không thì thời điểm tính hàng xuất khẩu khi cơ trưởng máy bay ký vào vận đơn và hải quan sân bay ký xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan.
– Hàng đưa đi hội trợ, triển lãm tính là xuất khẩu khi hoàn thành thủ tục bán hàng, thu ngoại tệ.
Xác định đúng thời điểm xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng để ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu, thanh toán thuế, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về xuất khẩu.
 
c. Xác định trị giá vốn hàng hoá xuất bán:
Trị giá vốn của hàng hóa xuất bán được tính qua ba bước:
Bước 1: Tính trị giá mua thực tế của hàng hoá xuất bán.
Theo quy định hiện hành, trị giá mua của hàng hóa xuất bán có thể tính theo các phương pháp sau:
– Phương pháp tính theo giá đích danh.
– Phương pháp bình quân gia quyền.
– Phương pháp nhập trước, xuất trước.
– Phương pháp nhập sau, xuất trước.
Nội dung các phương pháp trên đã nghiên cứu ở phần tính giá thực tế vật tư xuất kho.
Bước 2: Tính chi phí thu mua phân bổ cho hàng xuất bán trong kỳ:
Chi phí thu mua phân bổ cho hàng xuất bán = Chi phí thu mua phân bổ cho hàng còn đầu kỳ + Chi phí thu mua phát sinh trong kỳ x Trị giá mua hàng hoá xuất bán trong kỳ

Trị giá mua hàng còn đầu kỳ + Trị giá mua hàng nhập trong kỳ

Bước 3: Tính trị giá vốn hàng hóa xuất bán:
Trị giá vốn hàng hóa xuất bán = Trị giá mua hàng hóa xuất bán + Chi phí thu mua phân bổ cho hàng hóa xuất bán

1.3.2. Phương pháp kế toán quá trình bán hàng :
* Chứng từ hạch toán nghiệp vụ bán hàng trong nước gồm:
– Hoá đơn GTGT
– Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
– Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.
– Báo cáo bán hàng, bảng kê bán lẻ hàng hóa.
– Các chứng từ có liên quan khác…
* Chứng từ hạch toán nghiệp vụ xuất khẩu hàng hóa gồm:
– Hoá đơn thương mại
– Tờ khai hàng hóa xuất khẩu.
– Phiếu xuất kho.
– Các chứng từ khác…

 
a. Kế toán tổng hợp doanh thu bán hàng và các khoản giảm doanh thu bán hàng hoá trong nước.
Để phản ánh doanh thu và các khoản giảm doanh thu bán hàng hóa, các doanh nghiệp thương mại cũng sử dụng các tài khoản: TK511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ; TK 512 – Doanh thu nội bộ; TK 521 – Chiết khấu thương mại; TK 531- Hàng bán bị trả lại ; TK 532 – Giảm giá hàng bán và các tài khoản có liên quan khác…
Trình tự kế toán doanh thu và các khoản giảm doanh thu bán hàng hoá trong nước tương tự như kế toán doanh thu tiêu thụ thành phẩm ở các doanh nghiệp sản xuất (Đã nghiên cứu ở chương 7).
 
b. Kế toán tổng hợp trị giá vốn hàng hóa xuất bán:
* Kế toán trị giá vốn hàng hóa xuất bán sử dụng các tài khoản sau:
TK 157 – Hàng gửi đi bán.
Kết cấu cơ bản của TK 157
Bên Nợ:
– Ghi trị giá vốn hàng hóa gửi đi bán, giao đại lý.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa đang gửi bán cuối kỳ.
Bên Có:
– Ghi trị giá vốn hàng hóa gửi bán được coi là bán.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa gửi bán đầu kỳ .
Số dư bên Nợ: Trị giá vốn hàng hóa đang gửi bán cuối kỳ.
TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Kết cấu cơ bản của TK 632
Bên Nợ:
– Ghi trị giá vốn của hàng hóa xuất bán trong kỳ:
Bên Có:
– Trị giá vốn của hàng hóa đã bán bị trả lại.
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hoá xuất bán để xác định kết quả.
Tài khoản này không có số dư.
* Trình tự kế toán trị giá vốn hàng hóa xuất bán ở doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên:
– Khi chuyển hàng đi bán hoặc gửi đại lý bán, kế toán ghi:

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán .
Có TK 156 – Hàng hoá( xuất từ kho)
Có TK 331, 111, 112,…( gửi bán thẳng)
– Khi hàng gửi bán được xác định là bán, kế toán ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán .
Có TK 157 – Hàng gửi đi bán
– Kế toán ghi trị giá vốn của hàng giao bán trực tiếp tại kho, tại quầy, hàng bán giao tay ba.
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán .
Có TK 156 : Hàng hoá (Giao tại kho, quầy)
Có TK 331, 111, 112… ( Giao tay ba)
– Ghi trị giá vốn hàng bán bị trả lại nhập kho:
Nợ TK 156 – Hàng hoá
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán .
– Cuối kỳ kết chuyển trị giá vốn hàng xuất bán để xác định kết quả:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
* Trình tự kế toán trị giá vốn hàng hoá xuất bán ở doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa tồn kho, gửi bán đầu kỳ:
Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)
Có TK 156, 157, 151
– Ghi trị giá vốn hàng mua trong kỳ:
Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)
Nợ TK 133 ( Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ )
Có TK 331, 111, 112,…
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa tồn kho, gửi bán, hàng mua đang đi trên đường cuối kỳ:
Nợ TK 156, 157, 151
Có TK 611- Mua hàng (6112)
– Ghi trị giá vốn hàng xuất bán trong kỳ:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Có TK 611- Mua hàng (6112)
– Ghi trị giá vốn hàng bán bị trả lại:
Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hoá xuất bán để xác định kết quả:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

c. Kế toán nghiệp vụ xuất khẩu hàng hóa.
* Kế toán nghiệp vụ xuất khẩu trực tiếp.
– Khi hàng hóa được coi là xuất khẩu kế toán phản ánh doanh thu hàng xuất khẩu như sau :
+ Nếu bán hàng thu ngay bằng ngoại tệ, kế toán ghi:
Nợ TK 111(1112), 112(1122) (tỷ giá thực tế)
Có TK 511 (tỷ giá thực tế)
Đồng thời ghi Nợ TK 007 – Ngoaị tệ các loại
+ Nếu chưa thu được tiền, kế toán ghi:
Nợ TK 131 (Tỷ giá thực tế tính nợ )
Có TK 511 (Tỷ giá thực tế)
+ Khi thu được tiền ghi:
Nợ TK 111(1112), 112(1122) (Tỷ giá thực tế nhập quỹ)
Nợ TK 635 (Lỗ về tỷ giá)
Có TK 131 (Tỷ giá thực tế khi tính nợ)
Có TK 515 (Lãi về tỷ giá)
Đồng thời ghi nợ TK 007 – Ngoại tệ các loại.
– Phản ánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu phải nộp, kế toán ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3332,3333)
– Phương pháp kế toán trị giá vốn hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tương tự kế toán trị giá vốn hàng bán trong nước.
* Kế toán nghiệp vụ xuất khẩu uỷ thác:
Kế toán tại đơn vị nhận uỷ thác.
Theo quy định hiện hành, bên nhận uỷ thác có trách nhiệm nộp thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hộ đơn vị giao uỷ thác. Khi thực hiện xong dịch vụ xuất khẩu uỷ thác bên nhận uỷ thác phải chuyển cho bên uỷ thác các chứng từ sau:
– Bản thanh lý hợp đồng uỷ thác xuất khẩu
– Hoá đơn thương mại xuất hàng cho nước ngoài.
– Tờ khai hải quan về hàng hóa xuất khẩu.
– Hoá đơn GTGT về hoa hồng uỷ thác.
Trình tự kế toán các nghiệp vụ như sau:
– Khi nhận hàng uỷ thác xuất khẩu, kế toán ghi:
Nợ TK 003 – hàng hoá nhận bán hộ, nhận ký gửi.
– Khi hoàn thành việc xuất khẩu:
+ Ghi số tiền thu về hàng xuất khẩu:
Nợ TK 111(1112), 112(1122), 131 (tỷ giá thực tế)
Có TK 331 (Chi tiết đơn vị giao xuất khẩu)
+ Ghi thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp hộ bên giao uỷ thác:
Nợ TK 331 (Chi tiết đơn vị giao xuất khẩu)
Có TK 338(3388) Chi tiết thuế phải nộp hộ)
+ Khi nộp thuế ghi
Nợ TK 338(3388) (Chi tiết thuế phải nộp hộ)
Có TK 111, 112 …
+ Ghi các khoản chi hộ đơn vị giao uỷ thác (phí giám định, tiền bốc xếp…)
Nợ TK 138 (Chi tiết đơn vị giao xuất khẩu)
Có TK 111, 112 …
+ Ghi tiền hoa hồng thu ở đơn vị giao uỷ thác:
Nợ TK 131 (chi tiết đơn vị giao xuất khẩu)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3331)
+ Ghi giảm hàng nhận uỷ thác: Có TK 003 – Hàng hoá nhận bán hộ, nhận ký gửi
+ Thanh toán bù trừ giữa số phải trả với số phải thu theo từng đơn vị giao uỷ thác, kế toán ghi:
Nợ TK 331 (Tỷ giá thực tế khi xuất khẩu)
Nợ TK 635 (Lỗ về tỷ giá)
Có TK 131 (Tiền hoa hồng uỷ thác)
Có TK 138 (Các khoản chi hộ)
Có TK 111(1112), 112(1122) khoản thanh toán nốt.
Có TK 515 (Lãi về tỷ giá)
Kế toán tại đơn vị giao uỷ thác:
– Khi giao hàng cho bên nhận uỷ thác, kế toán ghi:
Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán .
Nợ TK 133 (Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ)
Có TK 156 – Hàng hoá ( Nếu xuất từ kho )
Có TK 151, 331, 111, 112 (Nếu giao thẳng)
– Khi hàng giao uỷ thác được coi là xuất khẩu:
+ Ghi trị giá mua của hàng đã xuất khẩu:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 157 – Hang gửi đi bán.
+ Ghi doanh thu hàng xuất khẩu.
Nợ TK 131 (chi tiết đơn vị nhận xuất khẩu)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
+ Ghi thuế xuất khẩu phải nộp:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3333)
+ Ghi số thuế đã nộp:
Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (3333)
Có TK 111, 112 (chuyển tiền để bên uỷ thác nộp hộ)
Có TK 3388 – Phải trả, phải nộp khác (bên ủy thác nộp hộ)
+ Ghi tiền hoa hồng phải trả cho đơn vị nhận uỷ thác và các khoản mà bên nhận uỷ thác đã chi hộ:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng .
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
+ Tiến hành bù trừ và thanh toán nốt với bên nhận uỷ thác:
Nợ TK 338 (chi tiết đơn vị nhận uỷ thác)
Nợ TK 635 (lỗ về tỷ giá)
Nợ TK 111, 112 (số tiền nhận về)
Có TK 131 (chi tiết đơn vị nhận uỷ thác)
Có TK 515 (lãi về tỷ giá)
Đồng thời ghi Nợ TK 007- Ngoại tệ các loại
 

1.4. Kế toán chi phí và xác định kết quả kinh doanh thương mại

Chi phí kinh doanh thương mại gồm: Chi phí thu mua hàng hóa, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Để đánh giá chất lượng quản lý chi phí kinh doanh thương mại, người ta thường sử dụng các chỉ tiêu: Tổng mức phí, tỷ suất phí, tốc độ tăng, giảm phí…
Tổ chức tốt kế toán chi phí mua hàng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp là biện pháp quan trọng để tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp thương mại.
a. Kế toán chi phí mua hàng:
Chi phí mua hàng là một bộ phận của chi phí lưu thông hàng hóa, nó bao gồm các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình mua hàng như: Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí lưu kho, lưu bãi, kiểm định hàng hóa, chi phí bảo hiểm hàng mua, chi phí hao hụt trong định mức của quá trình mua hàng…
Để tập hợp và phân bổ chi phí thu mua hàng hóa, kế toán sử dụng TK 156 (1562) – Chi phí mua hàng hoá và TK 611(6112)- Mua hàng hóa.
* Trình tự kế toán chi phí thu mua hàng hóa ở doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên:
– Khi chi phí thu mua hàng hóa phát sinh, kế toán ghi:
Nợ TK 156 – Hàng hoá (1562)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK liên quan (111, 112, 141, 152, 331,…)
– Cuối kỳ tính và phản ánh chi phí thu mua phân bổ cho hàng hóa bán ra trong kỳ:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Có TK 156 – Hàng hoá (1562)
* Trình tự kế toán chi phí thu mua hàng hoá ở doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
– Kết chuyển chi phí thu mua phân bổ cho hàng hóa và còn đầu kỳ:
Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)
Có TK 156 -hàng hoá (1562)
– Phản ánh chi phí thu mua hàng hóa phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK liên quan (111, 112, 331,…)
– Kết chuyển chi phí thu mua phân bổ cho hàng hoá tồn kho cuối kỳ:
Nợ TK 156 – Hàng hoá (1562)
Có TK 611- Mua hàng (6112)
– Kết chuyển chi phí thu mua phân bổ cho hàng hóa bán ra trong kỳ:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Có TK 611- Mua hàng (6112)
b. Kế toán chi phí bán hàng:
Chi phí bán hàng cũng là một bộ phận của chi phí lưu thông hàng hóa. Trong kinh doanh nội thương chi phí bán hàng bao gồm:
– Chi phí nhân viên bán hàng.
– Chi phí vật liệu, bao bì dùng trong bán hàng.
– Chi phí công cụ, đồ dùng phục vụ cho bán hàng.
– Chi phí khấu hao TSCĐ dùng cho bán hàng.
– Chi phí bảo hành hàng hóa.
– Chi phí các dịch vụ mua ngoài phục vụ cho bán hàng.
– Các chi phí bằng tiền khác phục vụ cho bán hàng.
Trong kinh doanh xuất – nhập khẩu, chi phí bán hàng gồm: Chi phí bán hàng trong nước và chi phí bán hàng ngoài nước.
Trong đó :
– Chi phí bán hàng trong nước là những khoản chi phí phục vụ trực tiếp cho việc bán hàng hoá ở trong nước và các khoản chi phí phục vụ trực tiếp cho nghiệp vụ xuất khẩu hàng hóa nhưng phát sinh ở trong nước. Chi phí bán hàng trong nước cũng bao gồm các khoản mục chi phí giống như trong kinh doanh nội thương.
– Chi phí bán hàng ngoài nước là những khoản chi phí phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa nhưng phát sinh ngoài địa phận nước ta. Chi phí bán hàng ngoài nước bao gồm:
+ Chi phí vận chuyển là những chi phí phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa bán ở nước ngoài.
+ Chi phí bảo hiểm: Là chi phí về mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp thương mại có khối lượng hàng hóa tồn kho lớn, không ổn định giữa các kỳ có thể phân bổ chi phí bán hàng cho hàng hóa còn lại cuối kỳ và hàng hóa bán ra trong kỳ. Phương pháp phân bổ như sau:
 
* Tính chi phí bán hàng phân bổ cho hàng hoá còn lại cuối kì:
Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng còn lại cuối kỳ = Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng còn đầu kỳ + Chi phí bán hàng cần phân bổ phát sinh trong kỳ x Trị giá hàng hoá còn lại cuối kỳ
 
Trị giá hàng hoá xuất trong kỳ +Trị giá hàng hoá còn lại cuối kỳ
 
Khi vận dụng công thức trên cần lưu ý:
– Để đơn giản việc tính toán chỉ phân bổ những khoản chi phí có tỷ trọng lớn cho hàng còn lại cuối kỳ, những khoản có tỷ trọng nhỏ tính hết cho hàng bán ra trong kỳ.
– Trị giá hàng hoá phải tính thống nhất theo cùng một loại giá (thường tính theo giá mua thực tế).
– Trị giá hàng hóa còn lại cuối kỳ gồm: Hàng mua đang đi đường cuối kỳ, hàng tồn kho cuối kỳ, hàng đang gửi bán cuối kỳ.
– Mẫu số công thức trên còn tính theo dạng khác:
Trị giá hàng hoá còn đầu kỳ + Trị giá hàng hoá nhập trong kỳ
 
* Tính chi phí bán hàng phân bổ cho hàng hóa bán ra trong kỳ:
Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng bán ra =Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng còn đầu kỳ +Chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ – Chi phí bán hàng phân bổ cho hàng còn lại cuối kỳ
 
Để tập hợp và phân bổ chi phí bán hàng, kế toán sử dụng tài khoản 641 – Chi phí bán hàng. Tài khoản này gồm 7 tài khoản cấp hai :
– TK 6411: Chi phí nhân viên
– TK 6412: Chi phí vật liệu, bao bì.
– TK 6413: Chi phí dụng cụ, đồ dùng
– TK 6414: Chi phí khấu hao TSCĐ
-TK 6415: Chi phí bảo hành
-TK 6417: Chi phí dịch vụ mua ngoài
-TK 6418: Chi phí bằng tiền khác.
Trình tự kế toán các nghiệp vụ chủ yếu như sau:
– Ghi các khoản chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng.
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK liên quan (334, 338, 152, 153, 214, 331, 111, 112…)
– Định kỳ ghi các khoản tính trước hoặc phân bổ dần vào chi phí bán hàng:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng.
Có TK 335 – Chi phí phải trả ( Số trích trước )
Có TK 142, 242 (Số phân bổ dần )
– Ghi các khoản thu tính giảm chi phí bán hàng:
Nợ TK liên quan (111, 112, 152….)
Có TK 641- Chi phí bán hàng
– Kết chuyển chi phí bán hàng phân bổ cho hàng còn lại cuối kỳ (nếu có):
Nợ TK 142, 242.
Có TK 641- Chi phí bán hàng.
– Kết chuyển chi phí bán hàng phân bổ cho hàng bán ra :
Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 641- Chi phí bán hàng.
Để phục vụ cho yêu cầu quản trị doanh nghiệp, trong các doanh nghiệp thương mại, chi phí bán hàng được hạch toán riêng thành định phí và biến phí. Ở một số doanh nghiệp chi phí bán hàng còn được hạch toán chi tiết theo địa điểm phát sinh, theo các nhóm, mặt hàng.
c. Kế toán chi phí quản lý doanh nghiệp.
Nội dung và phương pháp kế toán chi phí quản lý doanh nghiệp trong các doanh nghiệp thương mại cũng tương tự như kế toán chi phí quản lý doanh nghiệp trong các doanh nghiệp sản xuất.
d. Kế toán xác định kết quả kinh doanh thương mại.
Trong doanh nghiệp thương mại, kết quả hoạt động kinh doanh cũng bao gồm kết quả hoạt động kinh doanh thông thường và kết quả khác.
 
Kết quả hoạt động kinh doanh thông thường được xác định bởi hoạt động bán hàng và hoạt động tài chính, cách tính như sau:
Kết quả hoạt động kinh doanh thông thường = Doanh thu thuần về bán hàng – Trị giá vốn hàng xuất bán + Doanh thu hoạt động tài chính – Chi phí tài chính – Chi phí bán hàng và chi phí QLDN phân bổ cho hàng bán ra
 
Trong đó: Doanh thu thuần về bán hàng được tính trên cơ sở tổng doanh thu bán hàng ban đầu trừ (-) các khoản giảm doanh thu bán hàng như: Doanh thu chấp nhận chiết khấu thương mại, doanh thu chấp nhận giảm giá, doanh thu của hàng bán bị trả lại, các khoản thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp.
 
Kết quả khác được xác định trên cơ sở các khoản thu nhập khác và chi phí khác:
Kết quả khác = Thu nhập khác – Chi phí khác
 
Để xác định và phản ánh kết quả bán hàng, kế toán sử dụng TK 911- xác định kết quả kinh doanh.
Trình tự kế toán xác định kết quả bán hàng như sau:
– Kết chuyển doanh thu thuần về bán hàng, kế toán ghi:
Nợ TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ(5111)
Nợ TK 512 – Doanh thu nội bộ.(5121)
Có TK 911- Xác định kết quả kinh doanh .
– Kết chuyển trị giá vốn hàng hóa xuất bán, kế toán ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh .
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
– Kết chuyển chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ cho hàng bán ra :
Nợ TK 911- Xác định kết qủa kinh doanh .
Có TK 641- Chi phí bán hàng .
Có TK 642 – Chi phí QLDN.
– Tính và phản ánh kết quả bán hàng:
Nếu lãi ghi: Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh .
Có TK 421- Lợi nhuận chưa phân phối (4212)
Nếu lỗ ghi: Nợ TK 421- Lợi nhuận chưa phân phối (4212)
Có TK 911- Xác định kết qủa kinh doanh
 

Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ yêu cầu của kế toán vật tư như:

– Dễ dàng theo dõi số tồn kho theo từng mặt hàng, từng kho và từng nhu cầu quản trị khác
nhau của doanh nghiệp
– Cảnh báo về tình hình tồn kho để lên kế hoạch bổ sung khi có mặt hàng tồn dưới mức tối thiểu hoặc có biện pháp xử lý với các mặt hàng bị ứ đọng trong kho lâu ngày, hết hạn sử dụng.

Để tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SME.NET mới nhất, kế toán vật tư vui lòng click xem TẠI ĐÂY

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không